Theo giới chức Lầu Năm Góc, vụ thử tên lửa PL-19 Nudol diễn ra ngày 16-12 tại một căn cứ ở miền Trung nước Nga.
Đây là vụ thử tên lửa Nudol thứ năm và là lần thử thành công thứ ba liên tiếp của Nga. Moscow tuyên bố hệ thống vũ khí đang được thử nghiệm này sẽ được dùng để chống lại tên lửa của kẻ thù, theo trang The Washington Free Beacon (Mỹ).
Nga từng chứng tỏ nước này có khả năng phóng vũ khí chống vệ tinh, như trong 2 lần thử vào năm ngoái.
“Chúng ta có khả năng giám sát và tình báo rất tốt, vì thế chúng ta có thể thấy được những mối đe dọa đang hình thành. Chúng ta đang tiến hành các biện pháp tự vệ” – Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, khẳng định với đài CNN hồi tháng rồi.
Ảnh mô phỏng tên lửa chống vệ tinh. Ảnh: Business Insider
Trong khi đó, ông Mark Schneider, từng là chuyên gia hoạch định chính sách vũ khí chiến lược ở Lầu Năm Góc, nhận định mối đe dọa từ loại vũ khí chống vệ tinh là rất nghiêm trọng.
“Nó có thể khiến chúng ta thất bại trong cuộc xung đột, nếu có. Trong trường hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) bị vô hiệu hóa, tất cả tên lửa hành trình tấn công tầm xa truyền thống sẽ trở nên vô dụng. Ngoài ra, chức năng của một loạt vũ khí dẫn đường chính xác của chúng ta cũng bị giảm sút. Mỹ bước đầu thực hiện các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào GPS nhưng điều này đòi hỏi nhiều thời gian” – ông Schneider giải thích.
Vào năm 2008, Mỹ từng dùng tên lửa phá hủy thành công một vệ tinh vì quỹ đạo bay của nó trở nên thất thường, trở thành hiểm họa ngoài không gian.
Bình luận (0)