Trong bối cảnh quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ xấu đi vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang phát triển hợp tác quân sự với các nước châu Á. Đáng chú ý là sự bắt tay giữa Nga và Trung Quốc, nước đang không hài lòng với chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Interfax, Nga và Trung Quốc đã nhất trí tập trận hải quân chung trên biển Hoa Đông vào cuối tháng 5. Một phái đoàn quân sự Nga đã đến Thượng Hải để thực hiện cuộc tham vấn cuối cùng về những chi tiết của cuộc tập trận mang tên “Joint Sea-2014”, dự kiến diễn ra ngoài khơi Senkaku/Điếu Ngư. Đây sẽ là lần đầu tiên 2 nước tập trận gần quần đảo do Nhật quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Địa điểm tập trận có thể là dấu hiệu Nga muốn trả đũa sau khi bị Nhật Bản trừng phạt do khủng hoảng Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich hôm 29-4 tỏ thái độ thất vọng trước việc Nhật Bản quyết định từ chối cấp thị thực cho 23 công dân Nga. Theo ông, bước đi “vụng về” này của Tokyo rõ ràng là chịu ảnh hưởng của nước ngoài.
Một cuộc tập trận chung của hải quân Nga - Trung Quốc năm 2013
Ảnh: chinesemilitaryreview.blogspot.com
Hơn 20 tàu chiến của Nga và Trung Quốc có thể tham gia cuộc tập trận trên với mục tiêu trao đổi các kỹ năng về phòng không, chống tàu ngầm và tiếp tế hàng hải. Các tàu chiến Nga sẽ rời cảng Vladivostok vào giữa tháng 5, cùng thời điểm Tổng thống Vladimir Putin đến Thượng Hải.
Trong chuyến đi này, nhà lãnh đạo Nga dự kiến ký thỏa thuận cung cấp khí đốt lớn cho Trung Quốc - thêm một bước đi nữa cho thấy liên minh Nga - Trung đang được hình thành để đối phó với phương Tây, nhất là Mỹ.
Sau cuộc tập trận với Trung Quốc, Nga dự kiến diễn tập chống khủng bố với Ấn Độ vào tháng 7 tại biển Nhật Bản. Theo đài tiếng nói nước Nga, cuộc tập trận “Indra-2014” này có sự góp mặt của 4 tàu chiến Ấn Độ và mang tính biểu tượng cao. Các chuyên gia cho biết thêm việc hai bên chọn biển Nhật Bản nhằm thể hiện sự quan tâm đến các dự án kinh tế chung trong khu vực.
Giám đốc trung tâm đánh giá chiến lược (Nga) Victor Mizin cho biết: “Do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, EU và Mỹ áp dụng ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Vì vậy, Nga ngày càng tích cực hướng tới các đối tác ở phía Đông, chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ.
Cả Moscow và New Delhi đều đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước góp phần giải quyết nhiều vấn đề địa chính trị của họ. Nga rất coi trọng việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Đây là một trong những hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nga”.
“Không cần trả đũa”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29-4 cảnh báo những lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU có thể ảnh hưởng tới chính các công ty năng lượng phương Tây ở Nga. Ông cho rằng không cần thiết phải trả đũa lệnh trừng phạt song có thể xem xét việc cho phép công ty phương Tây tiếp cận các khu vực then chốt của nền kinh tế Nga, đặc biệt là năng lượng.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhận định các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể gây bất lợi cho các nhà du hành vũ trụ Mỹ trên Trạm Không gian quốc tế (ISS). Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, cho rằng những biện pháp đó đi ngược lẽ thường và là hệ quả từ những chính sách yếu kém của phương Tây.
Bình luận (0)