Cam kết trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) tại Warsaw - Ba Lan hôm 22-2.
Tổng thống Mỹ hiện đã rời thủ đô Ba Lan để tham dự một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và lãnh đạo các nước Đông Âu trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ Kiev sau gần một năm xảy ra xung đột.
Các nhà lãnh đạo của nhóm Bucharest Nine (gồm 9 nước thành viên ở sườn Đông của NATO) là Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia , Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia đã tham gia các cuộc đàm phán trong bối cảnh lo ngại xung đột có thể lan rộng.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ "tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của chúng ta trên toàn bộ sườn phía Đông từ Baltic đến biển Đen".
Tổng thư ký NATO Stoltenberg kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và khẳng định khối "sẽ tiếp tục giữ vững an ninh châu Âu".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới châu Âu. Ảnh: NBC
Liên Hiệp Quốc cũng nhóm họp hôm 22-2 nhằm thông qua Nghị quyết "hòa bình công bằng và lâu dài" cho Ukraine.
Tại Moscow, Tổng thống Vladimir Putin đã tham dự một cuộc mít-tinh và nói với hàng chục ngàn người Nga rằng "chúng ta đang chiến đấu vì những vùng đất lịch sử, vì người dân Nga".
Trước đó, ông Putin đã hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, người thăm Moscow sau khi Washington và NATO bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể chuẩn bị cung cấp vũ khí cho Nga.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh sẽ "duy trì lập trường khách quan và công bằng, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp chính trị".
Tổng thống Nga Putin tiếp quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: FT
Tổng thống Putin một ngày trước đó tuyên bố đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân NEW START với Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Joe Biden hôm 22-2 (giờ Mỹ) cho rằng Nga đã phạm "sai lầm lớn" khi đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn sót lại với Mỹ.
"Quyết định đó là một sai lầm lớn và thiếu trách nhiệm. Nhưng tôi không cho rằng ông ấy đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ thứ gì tương tự" - ông chủ Nhà Trắng bình luận.
Hiệp ước NEW START (START Mới) giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011. Nội dung hiệp ước quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Theo giới quan sát, Nga tạm ngừng tham gia START Mới nhằm kéo thêm các nước đồng minh khác của Mỹ có vũ khí hạt nhân vào hiệp ước và gây sức ép với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Bình luận (0)