Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hôm 3-7 trong chuyến thăm được Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là "một sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương".
Phản đối THAAD
Đây là cuộc gặp thứ ba của 2 nhà lãnh đạo Nga - Trung trong năm nay, với nội dung thảo luận chủ yếu là hợp tác kinh tế. Theo hãng tin RIA Novosti, nhân chuyến thăm kéo dài 2 ngày này, hai bên dự kiến ký kết hàng chục thỏa thuận trị giá hơn 10 tỉ USD cũng như tuyên bố lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng nhất.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Nga ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá quan hệ Trung - Nga đang ở "thời điểm tốt nhất trong lịch sử", đồng thời tuyên bố 2 nước đều là đối tác chiến lược đáng tin cậy nhất của nhau. Hướng đến tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng 2 nước nên làm việc cùng nhau để thúc đẩy kim ngạch thương mại, sự đầu tư và hợp tác tài chính.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc phàn nàn hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc đang "phá vỡ sự cân bằng chiến lược" và đe dọa lợi ích an ninh của mọi quốc gia tại khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc.
"Bắc Kinh và Moscow kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD và nghiêm túc cho rằng những nước liên quan nên chấm dứt và hủy việc triển khai này" - ông Tập Cận Bình khẳng định. Chưa hết, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh và Moscow sẽ có "những biện pháp cần thiết" - được tiến hành đơn lẻ hoặc cùng nhau - để bảo vệ lợi ích nhưng không nói rõ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hôm 3-7Ảnh: Reuters
Hợp tác quân sự
Chuyến thăm trên diễn ra trong bối cảnh hải quân Nga và Trung Quốc đang tập trận chung ở biển Baltic. Đây là dấu hiệu đáng kể nhất của sự hợp tác quân sự giữa 2 cường quốc trong khu vực vốn được xem là điểm nóng giữa Moscow và liên minh quân sự phương Tây NATO, theo nhận định của tạp chí Newsweek.
Cuộc tập trận chung này bắt đầu vào tuần trước khi Trung Quốc cử một hạm đội tàu chiến đến TP St.Petersburg và Kaliningrad, phần lãnh thổ Nga ở khu vực Baltic nằm giữa Lithuania và Ba Lan. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lithuania Linas Linkevicius tuyên bố với báo giới rằng sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow có thể đe dọa an ninh khu vực - theo báo The Baltic Times.
Đáp lại, theo hãng tin Tass, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận diễn ra thường lệ và nhằm "củng cố cũng như tăng cường quan hệ Nga - Trung liên quan đến sự hợp tác chiến lược chung". Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov cũng thừa nhận cuộc tập trận Nga - Trung tại khu vực Baltic đang leo thang quân sự hóa là sự kiện chưa từng có. Mặc dù vậy, ông phủ nhận ý kiến cho rằng 2 nước này tìm cách "gây hoảng sợ" cho các nước đối thủ.
Phát biểu của ông Denisov được đưa ra hôm 30-6, chỉ một ngày sau khi Nga và Trung Quốc ký kết lộ trình hợp tác quân sự. Các nhà quan sát thường xếp Nga và Trung Quốc là các cường quốc quân sự thứ hai và thứ ba, chỉ sau Mỹ.
Bắc Kinh và Moscow thường bất đồng với các đề xuất của phương Tây tại Liên Hiệp Quốc. Thậm chí, Nga gần đây "nhảy vào" cuộc tranh cãi chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
Kênh RT dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Moscow Li Hui cho biết 2 nước đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trên trường quốc tế, như cùng nhau thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và khủng hoảng Syria.
Cuộc gặp có thể định hình thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-7 (giờ địa phương) có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tập trung vào tình hình bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói về thỏa thuận bán gói vũ khí hơn 1,4 tỉ USD cho Đài Loan được chính phủ Mỹ nhất trí vài ngày trước đó.
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc, ông Tập nói với ông chủ Nhà Trắng rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đã bị ảnh hưởng bởi những nhân tố tiêu cực kể từ khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tại bang Florida hồi tháng 4. "Chúng tôi rất coi trọng việc chính phủ Mỹ tái khẳng định chính sách một Trung Quốc và hy vọng phía Mỹ sẽ giải quyết đúng đắn vấn đề Đài Loan bằng cách tuân thủ nguyên tắc này và 3 thông cáo giữa hai bên" - ông Tập nhấn mạnh.
Trong khi đó, phía Nhà Trắng cho biết trong suốt cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ hối thúc Bắc Kinh tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng nhằm kiềm chế chương trình vũ khí của nước này.
"Cả hai nhà lãnh đạo đều tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump quyết tâm tìm kiếm các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với các đối tác thương mại của Mỹ" - Nhà Trắng khẳng định. Tuy nhiên, tuyên bố từ Nhà Trắng không cho biết liệu tổng thống Mỹ có thuyết phục được ông Tập ủng hộ cách tiếp cận của mình trong việc tạo áp lực lên Triều Tiên hay không.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung dự kiến có cuộc gặp lần thứ 2 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại TP Hamburg - Đức trong 2 ngày 7 và 8-7 tới.
Cũng bên lề hội nghị này, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đài CNN (Mỹ) nhận định cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nga, nếu diễn ra, có thể định hình thế giới, từ vấn đề Syria tới căng thẳng giữa Nga và NATO. Cuộc gặp mang một mục tiêu chiến lược quan trọng bởi nó diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở tình trạng nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Đối với giới quan sát, câu hỏi lớn nhất là liệu ông Donald Trump có dùng cuộc gặp để nói về nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái hay không. Nhà Trắng cho đến giờ từ chối tiết lộ chi tiết về những gì ông Donald Trump sẽ thảo luận khi gặp ông Putin.
Thu Hằng
Bình luận (0)