Được chụp vào ngày 3-12-2018, bức ảnh cho thấy 3 cơ sở sản xuất tên lửa đang hoạt động và 1 cơ sở đang trong quá trình xây dựng bên cạnh các địa điểm thử nghiệm và các cơ sở lưu trữ.
Cụ thể, bức ảnh cho thấy cơ sở của nhà thầu quốc phòng Raytheon ở TP Tucson, Arizona - Mỹ, được mở rộng và nâng cấp "để sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn bị INF cấm" – AP hôm 2-2 trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Hôm 1-2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đang rút khỏi INF với cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước được ký vào năm 1987 này khi triển khai các tên lửa bị cấm. Nga mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc này.
Bức ảnh vệ tinh được Bộ Quốc phòng Nga công bố. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Một ngày sau, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng sẽ làm điều tương tự. Vài giờ sau, Bộ Quốc phòng Nga công bố bức ảnh vệ tinh nói trên.
Theo Nga, bức ảnh vệ tinh nêu trên chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy "Mỹ đã rút khỏi INF một vài năm trước khi bắt đầu công bố quyết định của họ, cáo buộc vô căn cứ Nga vi phạm hiệp ước này".
Nga khẳng định cơ sở của nhà thầu quốc phòng Raytheon nói trên đã được mở rộng diện tích thêm 44% trong 2 năm qua và sẽ tăng thêm khoảng 2.000 nhân sự – một dấu hiệu về các hoạt động sản xuất tên lửa.
Sự sụp đổ của INF đã làm gia tăng lo ngại về sự lặp lại của Chiến tranh lạnh trong những năm 1980, khi Mỹ và Liên Xô đều triển khai các tên lửa tầm trung. Những vũ khí như vậy đặc biệt nguy hiểm vì chúng chỉ cần vài phút để tấn công mục tiêu, khiến kẻ địch không kịp trở tay.
Bình luận (0)