Bình luận của Tạp chí News Week ngày 19-2 cho rằng Tổng thống Putin tin là hệ thống tài chính của Nga đã được điều chỉnh hiệu quả để đối phó với kịch bản bị cô lập hơn nữa.
Kể từ khi bị phương Tây trừng phạt vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea, Nga tích cực giảm nợ nước ngoài và tăng dự trữ ngoại tệ, vốn đã chạm mốc 631 tỉ USD vào cuối tháng 1 vừa qua. Bên cạnh đó, Nga đẩy mạnh sản xuất ở hàng loạt lĩnh vực để giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Tổng thống Vladimir Putin họp trực tuyến với các thành viên Hội đồng An ninh Nga hôm 18-2 Ảnh: REUTERS
"Nga đã thích ứng" - chuyên gia Anna Mikulska của Viện Nghiên cứu Baker thuộc Trường ĐH Rice (Mỹ) khẳng định. Cùng quan điểm, chuyên gia Andrew Weiss của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Washington - Mỹ) cho biết "Nga đã củng cố nền kinh tế của họ trong một thời gian dài" để tạo điều kiện theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại.
Dù vậy, chuyên gia Jahangir Aziz của Công ty Tài chính J.P. Morgan (Mỹ) khẳng định đây là canh bạc rủi ro của ông chủ Điện Kremlin, bởi những đợt trừng phạt nhằm vào Nga trong quá khứ chỉ mang tính riêng biệt, chống lại những cá nhân cụ thể.
"Bản chất của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang thảo luận rất khác. Nếu được triển khai, chúng sẽ gây ra ảnh hưởng tức thì, nghiêm trọng và sâu rộng hơn rất nhiều" - chuyên gia này nhấn mạnh.
Khi đó, phần còn lại của thế giới cũng chịu tác động tiêu cực. Nga là quốc gia xuất khẩu lớn về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại và nông sản. Trong trường hợp kinh tế Nga tổn thất vì chiến tranh và lệnh trừng phạt, giá cả ôtô lẫn hàng hóa tiêu dùng và khí đốt sẽ gia tăng trên toàn thế giới, kể cả Mỹ.
"Tác động lên thị trường hàng hóa là vô cùng lớn nếu lệnh trừng phạt làm tê liệt kinh tế Nga. Bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể khiến giá cả tăng đột biến trên diện rộng" - nhà phân tích Natasha Kaneva của Công ty Tài chính J.P. Morgan nhận định.
Bình luận (0)