Tham vọng của Nga về sự hiện diện tại Bắc Cực ngày càng tăng cao, chủ yếu là đặt cược nền kinh tế tương lai của đất nước vào kế hoạch phát triển nguồn năng lượng dồi dào chưa được khai thác ở vùng cực Bắc Trái Đất. Chính quyền Tổng thống Putin cũng dự định làm sống lại một số tuyến đường huyết mạch từ thời Liên Xô để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh ở Điện Kremlin, ông Putin cho biết: “Trong thập kỷ qua, Nga từng bước xây dựng và củng cố vị thế của mình tại Bắc Cực. Mục tiêu chính không chỉ là trở lại khu vực đó mà còn để tăng cường sự hiện diện của Nga tại vùng đất mới”.
Trước đó, cả Nga, Canada và Đan Mạch đều tuyên bố dãy núi ngầm Lomonosov, trải dài 1.800 km dưới Bắc Băng Dương là một phần lãnh thổ nước mình.
Hồi tuần trước, tàu chở dầu Nga đã vận chuyển những chuyến dầu thô đầu tiên ra khỏi khu vực Prirazlomnaya ở thềm cực Bắc về nước, động thái cho thấy Moscow đang muốn tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho miền Tây Siberia vốn đang lâm vào tình trạng khan hiếm.
Tổng thống Putin còn thông báo một hệ thống căn cứ hải quân cùng tàu ngầm sẽ được Nga triển khai ở Bắc Cực nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Ông Putin kêu gọi chính phủ rót ngân sách nhà nước cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đầy tiềm năng này thông qua tài khóa năm 2017-2020 và thành lập cơ quan chuyên trách để giải quyết các vấn đề về Bắc Cực.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh cần tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự với sự tham gia thường xuyên của Cơ quan An ninh liên bang (FSB), Bộ Quốc phòng, Bộ Tình huống Khẩn cấp cùng các cơ quan khác.
“Các cơ sở sản xuất dầu khí, thiết bị đầu cuối, đường ống dẫn của Nga tại Bắc Cực cần được bảo vệ an toàn khỏi những kẻ khủng bố và các mối đe dọa khác” – ông Putin cho biết thêm và đặt mục tiêu vào năm 2015, Moscow phải khai thác được 4 triệu tấn khí thiên nhiên ở tuyến đường biển phía Bắc.
Hiện Nga đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, dịch vụ kỹ thuật dọc theo tuyến đường Biển Bắc - từ vùng Viễn Đông của Nga đến khu vực Murmansk trên biển Barents nhằm cạnh tranh với 4 quốc gia khác có lãnh thổ gần Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ.
Bình luận (0)