Hai quốc gia láng giềng này liên tục mắc kẹt vào cuộc chiến giá khí đốt trong những năm gần đây và căng thẳng mới nhất xuất phát từ đe dọa của Moscow sẽ cắt khí đốt bơm cho Ukraine vào ngày 3-3 nếu không nhận được khoản thanh toán trước như thỏa thuận đạt được hồi tháng 10-2014 hay còn gọi là gói khí đốt mùa đông.
"Tôi hài lòng vì chúng tôi đã bảo vệ thành công gói khí đốt mùa đông đáp ứng nhu cầu của Ukraine” – ông Maros Sefcovic, lãnh đạo cơ quan năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết sau các cuộc đàm phán hòa giải khẩn cấp tại Brussels – Bỉ, giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Demchyshyn.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshy cho biết cả hai bên đều nhất trí "tuân thủ nguyên tắc" cho tới cuối tháng 3. Ảnh: AP
Theo tiết lộ từ ông Demchyshyn, các bên đều nhất trí “tuân thủ nguyên tắc” cho tới cuối tháng 3. Theo thỏa thuận đạt được, Tập đoàn khí đốt Ukraine Naftogaz sẽ trả trước và đặt hàng số lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo tiêu dùng trong nước trong tháng 3, cũng như đảm bảo nguồn cung cho châu Âu không bị gián đoạn. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cam kết sẽ cung cấp đầy đủ theo thỏa thuận.
EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga, một nửa số đó đi qua Ukraine. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết Brussels không lo lắng lắm bởi trong 6 tháng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine năm 2014, nguồn cung cho châu Âu bằng đường ống qua Ukraine không hề bị ảnh hưởng. Mặt khác, châu Âu cũng đã tự giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm những nhà cung cấp mới cũng như tăng cường dự trữ. Tương tự, Ukraine có nhiều bước đi mạnh mẽ nhằm độc lập hơn với khí đốt Nga. Gần đây, Kiev vừa đạt một thỏa thuận với Slovakia về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mua từ châu Âu và một thỏa thuận khác để mua khí đốt từ Na Uy.
Hồi tuần trước, Kiev cắt cung cấp khí đốt cho các khu vực do quân ly khai miền Đông kiểm soát và Nga lập tức bơm trực tiếp khí đốt tới đây. Moscow khẳng định Ukraine phải thanh toán cho khoản khí đốt đó nhưng Kiev phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, theo thỏa thuận mới đạt được, cả Kiev và Moscow đã thừa nhận vấn đề cung cấp khí đốt cho miền Đông Ukraine “là cực kỳ phức tạp về mặt pháp lý, kỹ thuật và chính trị”. Cả hai bên nhất trí sẽ thảo luận thêm về vấn đề này.
Phía EU cũng yêu cầu cả hai bên đề xuất chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán về các thỏa thuận khí đốt sau khi hạn chót của thỏa thuận mới đạt được kết thúc.
Bình luận (0)