Theo cảnh báo từ Tập đoàn Khí đốt Nga Gazprom, nguồn khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng sau khi Kiev không chịu thanh toán tiền trước.
Tổng Giám đốc Gazprom Aleksei B. Miller cho biết Ukraine không thanh toán trước đúng hạn trong khi nước này chỉ còn đủ khí đốt sử dụng đến ngày 26-2. Tuy nhiên, Kiev khẳng định đã trả tiền cho toàn bộ lượng khí đốt cần dùng trong năm nay và thanh toán trước cho thêm 287 triệu m3 mà họ thậm chí còn chưa đặt hàng.
Ngoài ra, Ukraine cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận hồi tháng 10-2014. Theo đó, Kiev trả 3,1 tỉ USD cho khoản khí đốt đã mua trước đó trong lúc Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt cho Kiev với điều kiện phải thanh toán trước. Thỏa thuận này dự kiến bảo đảm Ukraine được cung cấp đủ khí đốt trong suốt mùa đông. Tập đoàn Năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz cũng “tố” Gazprom vi phạm thỏa thuận bởi chỉ chuyển 47 triệu m3 trong tổng số 114 triệu m3 mà Kiev đã trả trước hôm 19-2.
Xe tải quân sự thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng rút khỏi Donetsk, miền Đông Ukraine
Ảnh: REUTERS
Theo báo The New York Times (Mỹ), sự khập khiễng về các khoản thanh toán nói trên dường như xuất phát một phần từ quyết định trực tiếp cung cấp khí đốt của Nga cho các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine hồi đầu tháng 2. Gazprom khẳng định Kiev phải thanh toán khoản tiền khí đốt đó và tính vào gói trả trước của Ukraine. Chính quyền Ukraine phản đối kịch liệt với lập luận Naftogaz không thể cử chuyên gia đo đạc tới một số khu vực biên giới ở miền Đông để xác nhận việc cung cấp khí đốt này.
Gazprom cảnh báo căng thẳng lần này sẽ gây ra nguy cơ nghiêm trọng trong hoạt động chuyển khí đốt tới châu Âu. Khoảng 1/3 lượng khí đốt cần thiết của châu Âu đang do Nga cung ứng và gần một nửa số này được bơm qua Ukraine.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết Brussels không lo lắng lắm bởi trong 6 tháng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine năm 2014, nguồn cung cho châu Âu bằng đường ống qua Ukraine không hề bị ảnh hưởng.
Mặt khác, châu Âu cũng đã tự giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm những nhà cung cấp mới cũng như tăng cường dự trữ. Tương tự, Ukraine có nhiều bước đi mạnh mẽ nhằm độc lập hơn với khí đốt Nga. Gần đây, Kiev vừa đạt một thỏa thuận với Slovakia về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mua từ châu Âu và một thỏa thuận khác để mua khí đốt từ Na Uy.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine Andriy Parubiy hôm 25-2 đã tới Mỹ và gửi nước chủ nhà danh sách những vũ khí mà Kiev muốn nhận từ Washington. Chuyện cung cấp vũ khí cho Ukraine đang nóng lên tại quốc hội Mỹ khi hàng loạt nghị sĩ lưỡng đảng hối thúc Nhà Trắng thông qua quyết định này sau khi Ngoại trưởng John Kerry hôm 24-2 cáo buộc giới lãnh đạo Nga liên tục dối trá với ông về sự tham gia của Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Kerry tuyên bố việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang ở giai đoạn xem xét tích cực với lý do Thỏa thuận Minsk bị vi phạm. Ông Kerry cũng tiết lộ Washington chuẩn bị gia tăng trừng phạt Nga trong khi Pháp cảnh báo Liên minh châu Âu sẽ có động thái tương tự nếu phe ly khai thân Moscow tấn công thành phố cảng Mariupol đang thuộc quyền kiểm soát của Kiev.
Cùng ngày 24-2, phát biểu trước một ủy ban quốc hội Anh, Thủ tướng David Cameron tuyên bố London sẽ cử 75 cố vấn quân sự tới Ukraine vào tháng tới để hỗ trợ huấn luyện cho quân đội nước này, đồng thời cho rằng Nga sẽ tiếp tục gây bất ổn cho các quốc gia khác nếu không bị phản đối.
Ukraine lập đội quân trực tuyến
Một ngày sau khi thông báo thành lập đội quân trực tuyến để gia nhập cuộc chiến thông tin, Bộ Chính sách Thông tin Ukraine hôm 25-2 có động thái gây tranh cãi khi kêu gọi tạo tài khoản phát tán thông tin có lợi cho Kiev.
Cơ quan này đang tiếp nhận hồ sơ của những người muốn “nhập ngũ”. Theo đài RT (Nga), nhiệm vụ chính của họ là tạo ra càng nhiều tài khoản mạng xã hội giả càng tốt nhưng không được gây nghi ngờ. Ngoài ra, họ cũng được khuyến khích tạo tài khoản thư điện tử sử dụng máy chủ phương Tây. Các tài khoản còn được chỉ dẫn cụ thể về việc sử dụng tên thật, không nên kết bạn quá nhiều cũng như chọn vị trí địa lý là miền Đông Ukraine hoặc Crimea.
Để các tài khoản mang tính xác thực hơn, Bộ Chính sách Thông tin còn khuyên người sử dụng viết một số bài mang tính riêng tư và bình luận về những vấn đề phi chính trị. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích Kiev có hành vi phân biệt đối xử và hành động này chỉ là một phần trong chính sách muốn thay đổi chính kiến mà truyền thông tác động lên dư luận Ukraine.
Bình luận (0)