Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại biên giới Nga - Ukraine vẫn được xúc tiến ngay cả khi phương Tây cảnh báo xung đột vũ trang có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Một ngày sau khi thăm Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15-2 đã đến Nga trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.
Thông điệp nhà lãnh đạo này đưa ra trước thềm chuyến đi là phương Tây để ngỏ khả năng đối thoại về những nỗi lo an ninh của Moscow nhưng sẽ áp đặt trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock kêu gọi Nga rút quân khỏi những vị trí quanh Ukraine.
Trong khi đó, theo sau cuộc điện đàm kéo dài 40 phút hôm 14-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson nhất trí cho rằng vẫn còn chỗ cho ngoại giao trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Dù vậy, theo trang The Guardian, hai nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng "bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo dài đối với Nga, gây thiệt hại sâu rộng cho cả Nga và thế giới".
Hy vọng về một giải pháp ngoại giao còn được củng cố sau khi Điện Kremlin phát đi tín hiệu sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phương Tây về những quan ngại an ninh góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tại cuộc họp ở thủ đô Moscow hôm 14-2Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-2, theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đề nghị Moscow tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những bảo đảm an ninh từ phương Tây.
Ông Lavrov nói với ông Putin rằng Mỹ đã đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm giảm nguy cơ xung đột quân sự nhưng phản hồi từ Liên minh châu Âu (EU) và NATO vẫn chưa thỏa đáng.
AP nhận định nội dung cuộc họp được phát trên truyền hình nhằm phát đi thông điệp về lập trường của ông Putin, theo đó hy vọng về một giải pháp ngoại giao vẫn chưa bị dập tắt.
Dấu hiệu xuống thang căng thẳng cũng đến từ thông tin của Bộ Quốc phòng Nga ngày 15-2 về việc rút bớt quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine sau khi hoàn tất tập trận. Hãng tin Interfax cho biết dù các cuộc tập trận quy mô lớn khắp nước vẫn tiếp diễn, một số đơn vị thuộc quân khu phía Nam và Tây đã hoàn tất tập trận và bắt đầu trở về căn cứ.
Đây là thông báo đầu tiên từ phía Nga về việc giảm quy mô lực lượng ở biên giới với Ukraine trong nhiều tuần qua. Dù vậy, hiện chưa rõ số lượng đơn vị được rút và tác động của động thái này đối với tổng binh sĩ Nga được triển khai quanh Ukraine.
Trước đó, Nga được cho là đã tập trung khoảng 145.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine, ở bán đảo Crimea và Belarus. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 14-2 thông báo đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Kiev - Ukraine và tạm chuyển các nhân viên ngoại giao đến TP Lviv ở miền Tây nước này.
Lý do được đưa ra là bảo vệ an toàn cho nhân viên ngoại giao Mỹ trước "việc Nga gia tăng mạnh lực lượng" gần biên giới Ukraine.
Không dừng lại ở đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thúc giục công dân nước này lập tức rời khỏi Belarus và vùng ly khai Transnistria của Moldova, lấy lý do "hoạt động quân sự Nga diễn ra khác thường" dọc biên giới giữa những nơi này và Ukraine.
Nga cho đến giờ vẫn bác bỏ cáo buộc lên kế hoạch tấn công Ukraine nhưng muốn Mỹ và NATO đưa ra bảo đảm mang tính ràng buộc pháp lý rằng Kiev sẽ không được phép gia nhập liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Washington và Brussels hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đó.
Gọng kìm địa chính trị, lạm phát cao
Thị trường chứng khoán châu Á ngày 15-2 giảm điểm trong lúc những kênh trú ẩn an toàn, như vàng, tăng giá giữa lúc các nhà đầu tư theo sát diễn biến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Cụ thể, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm 0,5% và chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,91%.
Bà Marcella Chow, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Công ty Quản lý Đầu tư JP Morgan Asset Management (Mỹ), nhận định các thị trường từ giờ đến cuối tuần sẽ chịu tác động của rủi ro địa chính trị. Theo bà Chow, vàng, USD và trái phiếu chính phủ Mỹ trở thành kênh trú ẩn tài sản.
Trong khi đó, giá dầu ngày 15-2 có lúc giảm xuống còn khoảng 94 USD/thùng sau khi có thông tin về động thái Nga rút bớt binh sĩ ở gần biên giới Ukraine. Trước đó một ngày, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua (giá dầu Brent ở Anh đạt mức 96,78 USD/thùng) do tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine.
"Các thị trường tài chính toàn cầu đang bị mắc kẹt trong chuyển động gọng kìm giữa địa chính trị (vấn đề Ukraine) và lạm phát cao" - nhóm chuyên gia của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) đánh giá.
Nga hiện là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 11,2 triệu thùng/ngày. Vì thế, ông Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu cấp cao của Công ty Kinh doanh và Nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy), cho rằng bất kỳ sự gián đoạn nào của dòng chảy dầu từ Nga cũng đều có thể khiến giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD/thùng, nhất là khi thị trường đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng tại các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Xuân Mai
Bình luận (0)