Một bước đi như thế, nếu diễn ra, chắc chắn khiến những quốc gia "không ưa" chế độ Tổng thống Bashar al-Assad lo ngại. Trong số này, theo Bloomberg, nước láng giềng Israel có thể lên tiếng mạnh mẽ nhất. So với Mỹ, Israel không kích phần lãnh thổ do Damascus kiểm soát thường xuyên hơn trong nỗ lực ngăn Iran, đồng minh chủ chốt của ông Assad, tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới mình.
Nga từng bán hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Iran bất chấp phản đối của Israel và Mỹ. Syria lẽ ra cũng sở hữu hệ thống phòng không này nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đóng băng thỏa thuận vào năm 2013 trước lời kêu gọi của Tel Aviv.
Tuy nhiên, vài giờ sau cuộc không kích của liên quân hôm 14-4, ông Sergei Rudskoi, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất các lực lượng vũ trang Nga, cho biết Moscow sẽ "cân nhắc lại" việc cung cấp hệ thống phòng không cho ông Assad. Với tầm bắn 200 km, tên lửa S-300 vươn đến được không phận Lebanon (thỉnh thoảng được máy bay Israel sử dụng để không kích Syria) và cả không phận Israel.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích và cựu quan chức quốc phòng Israel cho rằng trường hợp S-300 đến tay Syria, phản ứng khả dĩ duy nhất của Tel Aviv là tìm cách cho nổ tung chúng lập tức. Một động thái như thế đe dọa làm căng thẳng quan hệ Israel - Nga, đồng thời khiến nội chiến Syria leo thang thành cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Trước nguy cơ Israel có phản ứng mạnh, một số nhà phân tích tại Moscow cho rằng việc cung cấp S-300 cho Syria chỉ nên dừng lại ở lời đe dọa và được sử dụng như một quân bài mặc cả. Bà Elena Suponia, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, khuyên Moscow chỉ nên cung cấp cho Damascus những hệ thống phòng không sao cho không chọc giận Tel Aviv.
Bình luận (0)