Bù lại, theo Reuters, Nga tin tưởng thỏa thuận sẽ mở đường để nước này bán cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa và ký kết những hợp đồng năng lượng hạt nhân mới “béo bở”.
Trong khi đó, Nhà Trắng đã khởi động chiến dịch thuyết phục nhằm ngăn những người hoài nghi trong và ngoài nước đảo ngược bước tiến lịch sử này. Sau khi nhận được văn kiện về thỏa thuận nói trên, quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét và bỏ phiếu hoặc không có hành động gì đối với nó.
Người dân Iran vui mừng sau khi nước này đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1
Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AP, Tổng thống Barack Obama cùng nhóm an ninh quốc gia của ông và Phó Tổng thống Joe Biden bắt đầu gọi điện cho các nghị sĩ để cung cấp thông tin về thỏa thuận và vận động họ ủng hộ.
Một số nghị sĩ Dân chủ cho biết sẽ chỉ ủng hộ nếu thỏa thuận “bịt kín” mọi con đường đưa Tehran đến với khả năng phát triển vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế phải có được sự kiểm chứng hiệu quả về vấn đề này. Về phần mình, phe Cộng hòa vẫn thống nhất sẽ ngăn chặn thỏa thuận được thực thi.
Trên mặt trận đối ngoại, ông Obama cũng dành phần lớn thời gian trong ngày 14-7 để gọi điện cho các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Đông trước khi tiến hành cuộc họp báo một ngày sau đó để nói về thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhận được cú hích quan trọng khi bà Hillary Clinton, ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đánh giá thỏa thuận hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)