Hai phi công trên chiếc Su-24 kịp nhảy dù song 1 người bị bắn chết từ mặt đất, số phận người còn lại chưa rõ, theo quân đội Nga.
Một chiếc trực thăng tìm kiếm sau đó cũng trúng đạn và phải hạ cánh khẩn cấp, khiến 1 binh lính Nga thiệt mạng. Những người còn lại được giải cứu an toàn.
Trong khi đó, các phiến quân Syria (chưa rõ nhóm nào) vừa tung lên mạng Internet một đoạn video ghi lại khoảnh khắc bắn tên lửa trúng chiếc trực thăng tìm kiếm của Nga. Trong video, các tay súng nói rằng mình đã tiêu diệt một chiếc trực thăng "của những kẻ ngoại đạo". Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết có ít nhất 10 người trên chiếc trực thăng và toàn bộ đều thoát ra ngoài trước khi tên lửa bắn trúng. Có tin nói họ đã được quân đội chính phủ Syria hỗ trợ, giải cứu nhưng Bộ Quốc phòng Nga chưa có phản hồi.
Phát biểu trên truyền hình, Trung tướng Sergei Rudskoy tố cáo ngược máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận Syria khi bắn rơi máy bay Nga. Ông khẳng định Nga sẽ tăng cường chiến dịch ở Syria và "cắt đứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ". "Các biện pháp phòng không sẽ được tăng cường... Bất cứ mục tiêu nào gây ra nguy cơ cho chúng tôi đều sẽ bị tiêu diệt" - ông Rudskoy nói và cho biết vũ khí sẽ được chuyển thêm đến Latakia - Syria.
Về tranh cãi quanh vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24-11 nói Ankara có quyền bảo vệ lãnh thổ và không phận, đồng thời cho rằng vụ việc đã chỉ ra những vấn đề gặp phải đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Theo ông, điều quan trọng là phải tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra và “không làm căng thẳng tình hình”.
Trong cùng cuộc họp báo với ông Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: "Chúng ta phải chặn đứng khả năng căng thẳng leo thang. Mục đích duy nhất là chống IS".
Cùng ngày, một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ máy bay chiến đấu của Nga có thể đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 giây trước khi bị bắn rơi và Mỹ đang thu thập thông tin cần thiết trước khi đưa ra đánh giá cuối cùng.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với kênh Fox News rằng các dữ liệu radar khớp với tuyên bố của Ankara, tức là máy bay chiến đấu Nga đã đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và 3 lần phớt lờ các cảnh báo. Theo quan chức này, 2 máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phóng 2 quả tên lửa tầm nhiệt không đối không vào máy bay Nga.
Tuy nhiên, về mặt công khai, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho rằng Mỹ chưa thể kết luận rõ ràng "chiếc máy bay Nga đã ở đâu".
Sau phiên họp khẩn hôm 24-11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng máy bay Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt khẳng định “ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh”, mặt khác ông Stoltenberg hy vọng Ankara và Moscow sẽ tiếp xúc thêm để giải quyết vụ việc.
Nga khuyến cáo công dân không đến Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 24-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khuyến cáo công dân nước này không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do "đang xuất hiện các biểu hiện xảy ra khủng bố trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ".
Trong phát biểu, ông Lavrov lưu ý rằng khuyến nghị này không liên quan đến vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov cũng thông báo đã hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra ngày 25-11.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak nói vụ bắn máy bay không ảnh hưởng đến mối quan hệ năng lượng giữa 2 nước. Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng khí đốt lớn thứ hai của Nga.
Bình luận (0)