Trong tuần này, Trung Quốc bắt đầu leo thang cuộc chiến thương mại nhằm đáp trả kế hoạch trên, lấy lý do THAAD đe dọa an ninh của họ. Trong bước đi mới nhất, các công ty lữ hành tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc được lệnh không bán tour đi Hàn Quốc, theo nguồn tin từ Seoul.
Chưa hết, giới truyền thông và các nhóm chính trị Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các đám đông đập phá một xe hơi của hãng Hyundai Motor (Hàn Quốc) tại Trung Quốc. Những gì diễn ra khiến người ta nhớ lại làn sóng phản đối các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc năm 2012 khi hai nước này căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Cuộc tranh cãi hiện nay đã âm ỉ từ hơn 1 năm qua và nóng lên sau khi Tập đoàn Lotte Group hôm 27-2 đồng ý giao khu sân golf tại huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc để chính phủ đặt hệ thống THAAD. Chỉ vài ngày sau, chuỗi cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free, thuộc Lotte Group, cho biết là họ bị tấn công mạng, nghi xuất phát từ Trung Quốc. Lotte Group cũng nói phiên bản website tiếng Hoa bị tấn công và không thể truy cập được ngay sau khi thỏa thuận trên đạt được.
“Đây chỉ mới là sự khởi đầu. Họ (Trung Quốc) có nhiều lựa chọn trong việc trừng phạt các công ty Hàn Quốc” - ông Michael Na, nhà chiến lược của Công ty Dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản), nói với tờ Financial Times. Theo ông, không ít công ty lớn của Hàn Quốc đang dựa nhiều vào doanh số ở thị trường đông dân nhất thế giới này.
Câu hỏi khó ở đây là làm sao Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc mà không làm tổn thương nền kinh tế của chính mình. Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 1-3 dù đề cao tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng cũng thừa nhận những hành động cứng rắn rốt cuộc sẽ “dẫn đến kết cục phức tạp”.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời một số chuyên gia thương mại cho rằng Bắc Kinh có thể không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa, nhất là khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, ngược lại Seoul là đối tác thương mại lớn thứ tư của Bắc Kinh.
Ngoài ra, không phải người dân Trung Quốc nào cũng đồng tình với giải pháp tẩy chay. Một số người dân nói với đài VOA rằng chính trị và kinh doanh là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Họ cũng nhắc lại làn sóng tẩy chay hàng Nhật hồi năm 2012 cuối cùng cũng không làm thay đổi nhu cầu về hàng Nhật hoặc khiến các công ty Nhật tại Trung Quốc đóng cửa.
Theo Reuters, nhà chức trách Trung Quốc cho đến giờ vẫn không bình luận gì về lệnh cấm du lịch nói trên. Dù vậy, ông Andrew Gilholm, chuyên gia tại Công ty Tư vấn rủi ro Control Risks (Anh), cho rằng chiến dịch chống Hàn Quốc hiện nay diễn ra khắp toàn quốc trong thời gian ngắn và tỏ ra mạnh mẽ khác thường, qua đó chứng tỏ Bắc Kinh có vai trò nào đó. Ông Gilholm cũng cảnh báo những gì doanh nghiệp Hàn Quốc đối mặt lúc này có thể xảy ra với các công ty Mỹ trong năm tới nếu Tổng thống Donald Trump khơi mào chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
Bình luận (0)