Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo lần này do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ; gần 30 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam… Tổng cộng sẽ có 35 tham luận được trình bày tại 10 phiên thảo luận.
Các đại biểu trao đổi trước khi cuộc hội thảo khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết năm qua đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp, góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để biển Đông tiếp tục là khu vực hòa bình.
Các học giả nghiên cứu về biển Đông cũng góp phần không nhỏ vào những nỗ lực chung nói trên thông qua việc công bố các kết quà nghiên cứu và phát biểu chính kiến của mình. Nhờ vậy, công luận đã hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thẳng trong lúc các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến biển Đông.
Theo ông Quý, hội thảo lần này có 3 mục tiêu chính: trao đổi các kết quả nghiên cứu, thảo luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của biển Đông, về lợi ích của các bên liên quan, về những sự kiện xảy ra trên biển Đông trong thời gian gần đây; đề xuất những kiến nghị cho chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp đến tranh chấp để tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng ở biển Đông; đề xuất các kênh. các phương cách để các nghiên cứu học thuật, các trao đổi học thuật tác động tích cực hơn đến công chúng, giúp ích nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo trong những quyết sách của họ liên quan đến biển Đông.
Bình luận (0)