Nhiều người mang ủng cao su lên tới đầu gối và cầm ô lướt qua bức chân dung của ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh biểu ngữ: “Ngày Ánh Dương là sự kiện quan trọng nhất ở Triều Tiên”.
Gần nơi sinh của ông Kim Nhật Thành, những người đi tàu điện ngầm tỏ ra vội vã dưới cơn mưa bất chợt. Nhân viên trạm tàu điện ngầm Jon Myon-sop nói với một phóng viên của Reuters: “Nếu kẻ thù muốn chiến đấu với lãnh đạo của chúng tôi, chúng tôi không sợ vì chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Tôi biết về những căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng như hành động triển khai thiết bị quân sự của Mỹ và ‘những con rối’ đến khu vực này”.
Hướng dẫn viên du lịch ở Bình Nhưỡng, cô Cho Hyon-ran, cũng tự tin không kém: “Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi không sợ chiến tranh bởi vì chúng tôi có sức mạnh. Đất nước chúng tôi là đất nước mạnh nhất thế giới. Anh có thể nhìn thấy tất cả mọi người đang mỉm cười, tất cả mọi người đang hát, tất cả mọi người đang chào mừng lễ kỷ niệm "Ngày Ánh Dương". Chúng tôi không sợ bất cứ điều gì”.
Triều Tiên thường nhân dịp các lễ kỷ niệm như "Ngày Ánh Dương" để phô trương sức mạnh quân sự. Theo Reuters, Bình Nhưỡng có thể tổ chức một cuộc diễu hành quân sự vào ngày 15-4 nhưng chưa có thông tin xác nhận chính thức.
Khi các phóng viên nước ngoài tới đưa tin về buổi lễ, họ sẽ bị giám sát chặt chẽ. Các cuộc trò chuyện được “người hướng dẫn” của chính phủ Triều Tiên ghi lại. Họ cũng là những người cung cấp bản dịch sang tiếng Anh cho phóng viên.
Quan chức quân đội Triều Tiên đội mưa tới nơi sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Ảnh: REUTERS
Hôm 14-4, các quan chức tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên có khả năng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân để đánh dấu ngày lễ trọng đại này, giữa thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryol cùng ngày tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân bất cứ khi nào họ cảm thấy thích hợp. Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên - cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột và kêu gọi giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Sau động thái điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ tới khu vực, Bình Nhưỡng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đồng thời đe dọa sẽ đáp trả thích đáng bất cứ hành động quân sự nào của Washington.
Lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đang tìm phương án di dời gần 60.000 công dân nước này sống tại Hàn Quốc và sẵn sàng đối phó với làn sóng người tị nạn Triều Tiên tràn sang.
Trên thực tế, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc chiến 1950-1953 giữa hai bên chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.
Hành khách tại trạm tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng hôm 14-4. Ảnh: REUTERS
Bình luận (0)