Tôi không nghèo
Hãy thử tưởng tượng về một vị tổng thống từ chối sống trong dinh thự nhà nước để ở “nhà vợ” là một trang trại trồng hoa khiêm tốn ở ngoại ô thủ đô Montevideo và tặng 90% thu nhập cho người nghèo! Ở Uruguay, người dân gọi ông là “el presidente mas probe”, có nghĩa là “tổng thống nghèo nhất”.
Sự khác biệt lớn nhất ở đây là Uruguay có GDP bình quân đầu người khá cao, khoảng 14.415 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Kenya chỉ có 850 USD.
Tư dinh của Tổng thống Mujica. Ảnh: BBC
Tất nhiên, để nuôi sống bản thân và gia đình, ngoài giờ lo “quốc sự”, ông phải phụ với vợ, thượng nghị sĩ Lucia Topolansky, trồng và bán hoa tươi. Số tiền 11.250 USD còn lại, ông sung vào các quỹ giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ. Bà Topolansky cũng trích một phần lương để giúp người nghèo.
Năm 2010, trong bảng kê khai tài sản cá nhân ông Mujica - một điều bắt buộc đối với tất cả viên chức nhà nước - chỉ có một vật đáng giá nhất trị giá 1.945 USD. Đó là chiếc xe “con bọ” Volkswagen đời 1987. Năm nay, ông khai thêm phân nửa tài sản của vợ tương đương 215.000 USD bao gồm nhà, đất và xe máy kéo.
So với tài sản công khai của phó tổng thống Uruguay, ông Danilo Astori, tài sản cá nhân của Tổng thống Mujica chỉ bằng 2/3. Còn nếu so với tài sản của người tiền nhiệm, cựu tổng thống Tabare Vasquez, thì chỉ bằng 1/3.
Mô tả “tư dinh” của tổng thống Uruguay, ống kính truyền hình BBC cho thấy một ngôi nhà khiêm tốn có 2 bảo vệ và một chú chó cụt một chân tên Manuela, thú cưng của tổng thống, làm nhiệm vụ canh gác. Ngoài trời, quần áo phơi trên sào như mọi nhà dân xung quanh. Nước sinh hoạt lấy từ một giếng nước ở ngoài sân.
“Trong phần lớn cuộc đời, tôi vẫn sống như thế. Tôi có thể sống tốt với những gì tôi có” - ông Mujica, một người ăn chay trường, bộc bạch. Nhưng ông có vẻ không thích biệt danh “tổng thống nghèo nhất thế giới”.
Tổng thống Jose Mujica và tài sản lớn nhất của ông. Ảnh: WORDPRESS
Không chạy theo lối sống tiêu thụ
Ông Mujica có một cuộc đời đầy dông bão. Sinh ra trong một gia đình nông dân gốc gác Tây Ban Nha và Ý cách đây 77 năm, ông Mujica từng là cua-rơ xe đạp từ năm 13 đến năm 17 tuổi. Ông tham gia lực lượng du kích cánh tả Tupamaros từ năm 25 tuổi và nhanh chóng trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào này. Tupamaros được thành lập tiếp sau cuộc cách mạng thắng lợi ở Cuba nhằm chống lại sự đàn áp đẫm máu của các nhóm cực hữu đối với công nhân nông nghiệp.
Trong những năm 1960-1970, ông bị bắn 6 lần, 14 năm bị biệt giam trong các nhà tù khắc nghiệt nhất của Uruguay. Ông được thả vào năm 1985 sau khi Uruguay trở lại chế độ dân chủ. Chính trong thời gian ở tù, ông xây dựng một nhân sinh quan khác người nhưng đáng kính và đáng ngưỡng mộ.
Quan điểm chính trị của ông đã được trình bày rất rõ trong Hội nghị Cấp cao Rio+20 tháng 6 vừa qua: “Chúng ta đã nói nhiều về phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng chúng ta nghĩ gì? Phải chăng chúng ta muốn bắt chước mô hình phát triển và tiêu thụ của các nước giàu có? Vậy tôi xin hỏi quý vị: Điều gì sẽ xảy ra nếu người Ấn Độ cũng có số xe hơi giống như người Đức? Liệu hành tinh này có đủ tài nguyên để đáp ứng cho 7-8 tỉ dân nhu cầu tiêu thụ và thải rác ngang bằng các nước giàu có hiện nay?”.
Ông Mujica cũng chỉ trích phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới “mù quáng chạy theo mục đích tiêu thụ để phát triển, nếu không được thì có nghĩa là thế giới này sẽ tận thế”.
Bình luận (0)