Tổng thống Putin cho biết ông viết bài báo nêu trên nhằm “nói chuyện trực tiếp với người dân và các lãnh đạo chính trị của Mỹ”. Tuy nhiên, đoạn cuối của bài viết dường như là sự công kích dành cho “chủ nghĩa ngoại lệ của nước Mỹ” mà Tổng thống Barack Obama đề cập hôm 10-9.
Ông Putin đã thẳng thừng bác bỏ lời của người đồng cấp Mỹ, theo đó “chính sách của nước Mỹ là điều khiến Mỹ trở nên khác biệt và ngoại lệ”. Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích rằng cho dù động cơ là gì đi nữa thì việc khuyến khích người dân tự coi mình là trường hợp ngoại lệ là một điều nguy hiểm.
Nhận định về bài viết, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết ông không ngạc nhiên lắm về lời lẽ của ông Putin. Theo ông, chính phủ ông Putin mới “khác biệt” bởi họ là nước “duy nhất” ủng hộ lời cáo buộc phe đối lập gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus ngày 21-8 của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) vừa có bài viết công kích bài phát biểu
của Tổng thống Mỹ Barack Obama Ảnh: AP
Không giữ thái độ ngoại giao như Nhà Trắng, một số nghị sĩ Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ với bài viết. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John A. Boehner nói ông cảm thấy "bị xúc phạm”, trong lúc Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói thẳng bài viết khiến ông "buồn nôn" bởi ông đọc nó lúc đang ăn tối.
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, mỉa mai về câu chữ “Chúng ta đều khác biệt nhưng phải nhớ rằng Chúa tạo ra chúng ta bình đẳng với nhau” của ông Putin khi bày tỏ hy vọng rằng những người đồng tính ở Nga cũng được hưởng sự bình đẳng như thế. Bà Pelosi có ý nhắc đến một đạo luật mà ông Putin ký vào đầu năm nay, theo đó cấm thảo luận về chuyện quyền lợi và mối quan hệ đồng tính trước mặt trẻ em. Những người vi phạm có thể bị phạt hoặc trục xuất (nếu là người nước ngoài).
Một số người còn cảm thấy khó chịu với lời cảnh báo về một hành động quân sự mà không có phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Phóng viên John Podhoretz viết trên mạng Twitter rằng ông Putin làm gì có tư cách nói thế sau khi ông đã ra lệnh hành động quân sự ở Georgia và Chesnia mà không hỏi ý kiến Liên Hiệp Quốc.
Một số người đã moi được một bài viết của ông Putin cho tạp chí Time năm 1999, thời điểm ông còn là thủ tướng. Trong bài viết về cuộc chiến Chesnia này, giọng điệu của ông Putin được cho là hoàn toàn khác hẳn: “Không quốc gia nào được phép ngồi yên khi bị chủ nghĩa khủng bố tấn công. Nghĩa vụ của một chính phủ là phải bảo vệ an nguy của công dân mình”.
Ông Philip Gourevitch, phóng viên tạp chí The New Yorker, chỉ ra rằng bài viết năm 1999 không hề nhắc gì đến Liên Hiệp Quốc, Giáo hoàng hoặc luật pháp quốc tế như "tâm thư" ông Putin gửi The New York Times.
Dù vậy, không ít người cho rằng bài viết của Tổng thống Putin đã giúp ông ghi điểm so với ông Obama bởi những lập luận sắc bén đưa ra nhằm phản bác kế hoạch tấn công Syria.
Bình luận (0)