Mới 2 tuổi, cậu bé sống tại làng Teluk Kemang Sungai Lilin đã phì phèo thuốc lá và trở nên "nổi tiếng" bất đắc dĩ sau khi đoạn video quay cảnh em hút thuốc được hàng triệu người xem trên toàn thế giới. "Nếu không hút thuốc, miệng con sẽ có vị chua và chóng mặt" - bé Suganda nhớ về thời điểm từng hút đến 4 gói thuốc lá/ngày.
Giờ đây, Suganda cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh hơn sau nhiều năm cai thuốc. Em cho biết không muốn hút thuốc nữa vì không muốn bị bệnh.
Suganda không phải là trường hợp quá cá biệt ở Indonesia, nơi có hơn 267.000 trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá mỗi ngày.
Cô Diana, mẹ của Suganda, cho rằng con trai út bắt đầu nghiện thuốc lá do tiếp xúc với những người hút thuốc khác. Suganda theo mẹ ra chợ mỗi sáng bán rau và mọi người xung quanh có thể đã dạy cậu bé hút thuốc. Suganda cũng có thể dễ dàng có được thuốc lá bằng cách hỏi xin mọi người trong chợ.
Cậu bé Aldi Suganda cầm hình ảnh nghiện hút thuốc lá trước đây của mình Ảnh: CNN
Indonesia là một trong những nước có tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc cao nhất thế giới. Theo đài CNN, tỉ lệ người hút dưới 18 tuổi tại Indonesia tăng từ 7,2% lên 8,8% trong giai đoạn 2013-2016. Tại quốc gia có dân số hơn 261 triệu người, tỉ lệ này đồng nghĩa hàng triệu người trẻ tuổi hút thuốc hằng ngày. Đáng lo hơn, có hơn 3% trẻ từ 10-14 tuổi hút thuốc trong giai đoạn nói trên. Hơn 18% bé trai và hơn 9% bé gái trong độ tuổi này từng thử hút một điếu thuốc, theo kết quả một nghiên cứu.
Bà Lily Sulistyowati, một quan chức Bộ Y tế Indonesia, tin rằng tình trạng hút thuốc còn tồi tệ hơn ở khu vực nông thôn và trong cộng đồng người nghèo.
Theo Cục Thống kê Indonesia, 1/5 người nghèo nhất chi 12,5% tổng tiền chi tiêu tháng cho thuốc lá nhưng tỉ lệ này ở 1/5 người giàu nhất Indonesia là 7,1%. Thêm một con số đáng lo khác: Ước tính có hơn 217.000 người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá mỗi năm tại Indonesia, trong đó có bệnh tim, các bệnh về đường hô hấp.
Ông Aman Pulungan, Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia, cho biết nhiều bậc cha mẹ thiếu hiểu biết về tác hại của việc hút thuốc lá, không kiểm soát con trẻ. Theo ông Pulungan cùng một số chuyên gia, nguyên nhân khác là môi trường tiếp cận dễ dàng và tình trạng hút thuốc phổ biến trong văn hóa Indonesia.
Hiện Bộ Y tế Indonesia đang phối hợp với các bộ khác và tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới để giải quyết nạn nghiện thuốc lá. Bộ này còn tìm cách thúc đẩy Indonesia tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá có hiệu lực từ năm 2005 và đã được 181 nước ký kết.
Bình luận (0)