Chính sách ngoại giao vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn mới, khi các hãng dược của họ chuyển giao công nghệ cho các công ty ở Đông Nam Á để khởi động quá trình sản xuất địa phương.
Nhiều nước Đông Nam Á đã hoan nghênh những nỗ lực này, bởi chúng tạo ra cú hích mạnh hơn cho ngành công nghiệp dược của khu vực và tạo ra nhiều việc làm hơn so với việc hỗ trợ vắc-xin.
Vào tháng 8-2021, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan thông báo Công ty Etana Biotechnologies Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất các loại vắc-xin mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vắc-xin Pfizer và Moderna) vào tháng 7-2022.
Hãng dược này nhận được sự hỗ trợ công nghệ từ Công ty Walvax Biotechnology (Trung Quốc) và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối cùng) để hướng đến mục tiêu sản xuất hơn 70 triệu liều/năm.
Trong quá trình chuyển giao công nghệ, Trung Quốc đặc biệt chú ý đến Indonesia - quốc gia có nền kinh tế và dân số lớn nhất Đông Nam Á, theo báo Nikkei Asia.
Một người dân Indonesia được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 Ảnh: Shutterstock
Tọa lạc tại trung tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Nam Á là một trong những "điểm nóng" của chính sách ngoại giao vắc-xin. Tính đến giữa tháng 9-2021, Trung Quốc đã cung cấp 190 triệu liều vắc-xin cho các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong khi đó, Mỹ đang bắt kịp Trung Quốc nhờ sự hỗ trợ của các đối tác trong khu vực. Công ty Dynavax Technologies (Mỹ) mới đây đã ký biên bản ghi nhớ để phát triển vắc-xin với doanh nghiệp nhà nước Indonesia Bio Farma. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, thỏa thuận này cho phép Dynavax Technologies và Bio Farma hợp tác phát triển vắc-xin sử dụng protein tái tổ hợp.
Bên cạnh các công ty của Trung Quốc và Mỹ, hãng dược Shionogi (Nhật Bản) đang lên kế hoạch chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, đồng thời tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Việt Nam và những quốc gia khác trong khu vực.
Tại Thái Lan, hãng dược Siam Bioscience thuộc sở hữu của Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã bắt đầu sản xuất vắc-xin AstraZeneca vào tháng 6. Khoảng 50% vắc-xin của Thái Lan được sản xuất ở Trung Quốc và chính phủ nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm kết hợp AstraZeneca - Sinovac.
Với tỉ lệ tiêm chủng thấp, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực dễ tổn thương nhất vì biến thể Delta. Tại Indonesia, tình trạng thiếu nhân viên y tế cùng những bất cập về mặt hậu cần đang gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phủ sóng vắc-xin Covid-19 của quốc gia này. Tỉ lệ dân số được tiêm đầy đủ và được tiêm ít nhất 1 liều tại Indonesia hiện mới chỉ lần lượt là 17,9% và khoảng 32% - thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á dù họ là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai chương trình tiêm phòng.
Theo hãng tin Bloomberg, tiến độ tiêm chủng chậm chạp đã gây rủi ro cho nỗ lực kiểm soát dịch và việc phục hồi kinh tế của Indonesia. Để cải thiện tình hình, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã thiết lập thêm nhiều trung tâm tiêm chủng với sự hỗ trợ của cảnh sát và quân đội, tăng cường tuyên truyền để thuyết phục người dân đi tiêm và nâng cao theo dõi dữ liệu thông qua ứng dụng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25-9 cam kết tăng gấp đôi lượng vắc-xin viện trợ cho các nước thu nhập thấp hơn, từ 60 triệu liều lên 120 triệu liều. Ông chủ Điện Élysée khẳng định thông tin này vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới và hối thúc nước giàu làm theo.
Liên minh châu Âu cũng đã thông báo kế hoạch san sẻ 500 triệu liều vắc-xin, trong khi Trung Quốc cam kết chia sẻ tổng cộng 2 tỉ liều đến cuối năm nay.
Bình luận (0)