Phát biểu trước chuyến thăm Ấn Độ vào tuần tới, ông Tillerson cho rằng New Delhi là đối tác quan trọng của Washington và Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc tạo ra các giải pháp thay thế cho hoạt động tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Á.
Tuyên bố trên được đưa ra khi chưa đầy một tháng nữa tổng thống Mỹ dự kiến có chuyến thăm chính thức đầu tiên tại Trung Quốc, đồng thời trùng với thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 - trong đó vạch ra tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu vào năm 2050.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ. Ảnh: AP
Trong một bình luận khác có thể khiến Bắc Kinh khó chịu, ông Tillerson cho rằng Washington có thể mời những nước khác, trong đó có Úc, tham gia hợp tác an ninh Mỹ-Ấn-Nhật, động thái mà Bắc Kinh phản đối là nỗ lực chống lại mình.
"Mỹ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra với trật tự dựa trên các quy tắc hay khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Mỹ cùng những người bạn của chúng tôi" - ông Tillerson phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).
Ông Tillerson cho rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông thách thức trực diện luật quốc tế và các quy chuẩn cả Mỹ và Ấn Độ đều ủng hộ.
Ông Tillerson nói thêm: "Ấn Độ và Mỹ cần hỗ trợ cho các quốc gia khác để bảo vệ chủ quyền của họ, xây dựng mối liên kết rộng hơn và có tiếng nói lớn hơn trong khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích và sự phát triển kinh tế của họ".
Tuy ông Tillerson không đề cập đến việc sẽ tạo ra giải pháp thay thế cho hoạt động tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc như thế nào nhưng nói rằng chính quyền ông Donald Trump đã bắt đầu thảo luận kín với một số nước Đông Á mới nổi tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 8.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo các nguồn tài trợ của Trung Quốc đang khiến các quốc gia phải gánh những khoản nợ "khổng lồ" và không tạo ra việc làm.
"Chúng tôi không thể cạnh tranh với các điều khoản mà Bắc Kinh đề ra nhưng các quốc gia phải quyết định họ sẵn sàng đánh đổi những gì để bảo đảm chủ quyền, kiểm soát tương lai nền kinh tế của mình và chúng tôi cũng đã thảo luận với họ" – ông Tillerson nhấn mạnh.
Hơn nữa, quyết định mở rộng quan hệ với Ấn Độ của Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ chọc giận đối thủ của New Delhi là Pakistan, nơi ông Tillerson sẽ có chuyến thăm vào tuần tới. Từng là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Nam Á trong nhiều thập kỷ nhưng quan hệ Pakistan - Mỹ trở nên trắc trở sau khi Washington chỉ trích Islamabad không cắt đứt sự ủng hộ đối với phong trào Taliban ở Afghanistan.
Bình luận (0)