Phát biểu trước các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại cuộc gặp ở Singapore, ông Pompeo nhấn mạnh ASEAN là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư Mỹ ở châu Á.
"Mỹ là một quốc gia ở Thái Bình Dương và chúng tôi vẫn duy trì cam kết mang tính trung lập đối với ASEAN dựa trên chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình. Về vấn đề an ninh, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, hỗ trợ pháp trị ở biển Đông và thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên một cách nghiêm túc" - ông Pompeo nói.
Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Washington - Bắc Kinh có dấu hiệu leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc kế hoạch tăng gấp đôi mức thuế áp vào số hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Washington còn đẩy mạnh áp lực lên Bắc Kinh trên mặt trận quân sự. Trong chiến lược an ninh quốc gia hồi năm ngoái, chính quyền ông Trump xếp Trung Quốc là một trong các đối thủ lớn nhất của Mỹ.
Trước khi có chuyến công du châu Á, ông Pompeo đầu tuần này đã công bố khoản đầu tư trị giá 113 triệu USD để phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào an ninh, kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ tham gia cùng Mỹ trong việc thúc đẩy đầu tư vào các dự án hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh hoan nghênh kế hoạch này và sẽ là việc tốt nếu 3 nước có thể gia tăng đầu tư vào khu vực.
Tranh chấp hàng hải là một trong những vấn đề chính của chương trình nghị sự tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan trong tuần này. Hôm 2-8, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí về một dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được sử dụng làm nền tảng cho cuộc đàm phán về biển Đông.
Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: AP
Trong lúc chờ đàm phán về COC có thêm đột phá, không ít quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên để đối phó với hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) hôm 1-8 cho biết một bước đi như thế giúp các nước duy trì hiện diện ở khu vực trong lúc tránh được nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với nhau hoặc với Trung Quốc.
"Lực lượng tuần duyên đã trở thành những vùng đệm chiến lược quan trọng giữa các lực lượng hải quân ASEAN" - báo cáo nhận định.
Ngoài mối đe dọa từ cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá trái phép, lý do chính khiến các nước ASEAN tăng cường lực lượng ven biển là chống lại "chiến lược hàng hải hung hăng của Trung Quốc", trong đó có hoạt động xây dựng tiền đồn quân sự và đánh bắt bên trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước khác.
Số liệu của ASPI cho thấy Philippines đã bổ sung 14 tàu và 2 máy bay vận tải cho lực lượng bảo vệ bờ biển vào năm 2013, cộng thêm 14 tàu nữa sau 3 năm. Tương tự, Malaysia cũng củng cố lực lượng tuần tra ven biển với việc bổ sung 105 tàu thuyền mới trong giai đoạn 2013-2014.
Còn trong giai đoạn 2005-2016, Indonesia tăng đội tàu bảo vệ bờ biển của mình từ 9 lên 34 tàu.
Bình luận (0)