“Chúng tôi không phát hiện bất kỳ mối liên hệ hay tác động nào giữa thỏa thuận này với tình hình Ukraine bởi Nga và Trung Quốc đã bàn thảo 10 năm nay” – ông Kerry phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Mexico City của Mexico.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng Mỹ lưu ý Washington đang theo dõi việc Moscow thực hiện cam kết rút quân gần biên giới Ukraine và đây là thời điểm quyết định để chính quyền Kiev tự tìm hướng đi đúng đắn cho dân tộc mình.
Trước đó, hôm 21-5, tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga Gazprom ký thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD cho Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc thông qua hàng ngàn dặm đường ống dẫn đặt ở Siberia. Đây được xem là thắng lợi về chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tìm kiếm sự hợp tác ở châu Á trong khi bị Mỹ và các nước châu Âu cô lập về kinh tế do căng thẳng Ukraine.
Theo Itar-Tass, giá bán khí đốt theo thỏa thuận này được gắn với giá thị trường dầu thô và sản phẩm dầu mỏ. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak, đợt cung cấp khí đốt đầu tiên sang Trung Quốc có thể bắt đầu sau 4-6 năm nữa.
"Đây là hợp đồng khí đốt lớn nhất lịch sử của Nga. Các bạn Trung Quốc là những nhà thương thuyết khó tính" - Tổng thống Putin phát biểu sau lễ ký kết.
Cũng trong ngày 21-5 từ Thượng Hải, ông Putin thông báo đã ra lệnh cho lực lượng quân đội đóng gần biên giới Ukraine rút về các căn cứ để tạo điều kiện cho Kiev tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 sắp tới. Theo nhà lãnh đạo Nga, toàn bộ kế hoạch rút quân sẽ được truyền trực tiếp trên vệ tinh nhằm đánh tan nghi ngờ của Mỹ và NATO cho rằng ông Putin chỉ nói suông.
NATO ước tính Nga có 40.000 quân đóng gần biên giới Ukraine và khẳng định chưa thấy động tĩnh nào của việc rút quân.
Dự kiến hạn chót là 1-6, Nga sẽ rút toàn bộ quân đội tại biên giới Ukraine về căn cứ. Ảnh: AP
Trong khi đó, một quan chức của Liên Hiệp Quốc cho biết 127 người đã thiệt mạng trong một vài tuần xung đột ở miền Nam và Đông Ukraine trở lại đây, nhấn mạnh tình hình căng thẳng ở khu vực miền Đông khi những phần tử nổi dậy thân Nga tìm mọi cách phá hoại cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.
Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Ivan Simonović nói với Hội đồng Bảo an rằng vấn đề nhân quyền ở miền Đông Ukraine tiếp tục xấu đi và cảnh báo về “làn sóng người di tản” ra khỏi khu vực đang gặp nhiều bất ổn này. 1.000 trường hợp đăng ký sơ tán đã được ghi nhận nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Hôm 21-5, cuộc đụng độ giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ Ukraine vẫn tiếp diễn ở miền Đông. Nhà tài phiệt kim loại giàu nhất Ukraine kêu gọi người lao động tổ chức các cuộc biểu tình chống lại nhóm phần tử nổi dậy. Người dân địa phương cũng đổ lỗi cho phe ly khai gây khó khăn cho đời sống của họ.
Bình luận (0)