Mỹ đang lo ngại rằng Iran sẽ lợi dụng những lợi ích thu được từ việc đánh bại IS tại Iraq và Syria để mở rộng tầm ảnh hưởng sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003, một điều mà các quốc gia Ả Rập Sunni như Riyadh cũng phản đối.
"Giờ đây khi cuộc chiến chống IS sắp kết thúc, các dân quân Iran tại Iraq nên về nhà. Những tay súng ngoại quốc tại Iraq nên trở về và để người dân Iraq lấy lại quyền kiểm soát" - trích lời ông Tillerson tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel Jubeir.
Vào năm 2014, hàng chục ngàn người Iraq đã thành lập Lực lượng huy động nhân dân (PMF) do Tehran tài trợ, huấn luyện và trở thành một phần của lực lượng an ninh Iraq sau khi IS chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq.
Ngoại trưởng Tillerson và Quốc vương Salman trò chuyện trước cuộc họp ngày 22-10. Ảnh: REUTERS
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng ông Tillerson có ý nhắc đến PMF và Lực lượng Quds, một đơn vị bán quân sự và gián điệp thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích phát biểu của ông Tillerson bị ảnh hưởng bởi Ả Rập Saudi. "Chính xác thì những người Iraq đứng lên chống lại IS để bảo vệ quê hương phải trở về nước nào? Chính sách đối ngoại của Mỹ thật đáng xấu hổ khi được quyết định bởi đồng USD dầu mỏ" - ông Zarif công kích.
Ngoại trưởng Mỹ muốn dân quân Iran rời Iraq
Quân đội Iraq, do Mỹ trang bị vũ khí nhưng được PMF hỗ trợ, đã đẩy lùi IS khỏi Mosul và các thành phố phía Bắc Iraq trong năm nay. Hàng ngàn binh lính Mỹ vẫn đang ở nước này, phần lớn là để huấn luyện nhưng vẫn tiến hành các cuộc tấn công IS.
Một cơ quan ngang bộ mới giữa Iraq và Ả Rập Saudi vừa tổ chức cuộc họp hôm 22-10 để điều phối cuộc chiến chống IS và tái thiết lãnh thổ Iraq bị nhóm khủng bố tàn phá.
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Jubeir nhấn mạnh quan hệ lịch sử giữa 2 nước láng giềng khi cho rằng: "Khuynh hướng tự nhiên giữa 2 nước và người dân là gần gũi với nhau như hàng thế kỷ trước đây. Quan hệ này đã bị gián đoạn trong một vài thập kỷ. Chúng tôi đang cố gắng bù đắp những gì đã mất".
Cuộc họp cấp cao hiếm hoi nói trên là dấu hiệu tan băng trong quan hệ giữa 2 nước và có sự tham dự của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Bình luận (0)