Những cỗ quan tài được hạ xuống một cách chậm rãi từ phía sau một chiếc xe chở xác trong sự chờ đợi của các tù nhân làm công việc chôn cất với tiền công 50 xu/giờ.
Ngay bên cạnh họ là một hố chôn đã có sẵn nhiều thi thể. Ngoại trừ các phạm nhân và những cái xác vô hồn, những người duy nhất có mặt trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi quận Bronx là các nhân viên vũ trang của Sở Cải huấn đang giám sát công việc.
Đây chỉ là một ngày hết sức bình thường trên đảo Hart, ngôi mộ tập thể của TP New York. Các thi thể được thu gom tại nhà xác thành phố nhiều lần trong tuần rồi được đưa đến bến tàu. Tại đây, xe chở xác và các tù nhân sẽ lên thuyền đến đảo Hart và di chuyển đến khu chôn cất. Các huyệt mộ lúc nào cũng được đào sẵn và để mở đến khi chúng được lấp đầy bằng 150 cỗ quan tài của người lớn hoặc 1.000 chiếc hòm bé xíu của trẻ em.
Chiếc phà chở các tù nhân và xe chở xác đến đảo Hart. Ảnh: Daily Mail
Sau khi đủ số lượng, các ngôi mộ sẽ được lấp đất và chỉ được đánh dấu bằng một cây cọc trắng lẻ loi. Có thể nói đây là khu an táng lớn nhất nước Mỹ và những người được đưa đến đây đều được cho là vô danh. Dĩ nhiên, trên thực tế, nhiều người trong số họ không phải là người nghèo hoặc không xác định được danh tính.
Đảo Hart được chính quyền TP New York mua lại gần 150 năm trước và được tận dụng làm khu an táng ngay vào năm tiếp theo. Cục Trừng phạt là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý khu vực này trong suốt thời gian qua.
Những cư dân New York được đưa đến đây sẽ có cùng nơi an nghỉ với hàng triệu người khác đại diện cho dòng chảy lịch sử của thành phố, từ các cựu binh thời Nội chiến, những người thiệt mạng vì lạm dụng thuốc phiện trong những năm 1960 đến các nạn nhân của cuộc khủng hoảng AIDS thời kỳ đầu.
Có rất nhiều tòa nhà bỏ hoang trên đảo Hart.
Từ trước đến nay, đảo Hart được sử dụng cho rất nhiều mục đích, ví dụ như là nơi đặt trại tế bần, bệnh viện lao, trại tị nạn hay thậm chí là cơ sở lắp đặt tên lửa Nike trong Chiến tranh Lạnh. Trung tâm phục hồi chức năng, tòa nhà cuối cùng hoạt động trên đảo, bị đóng cửa trong những năm 1970 và trở thành 1 trong vô số công trình bỏ hoang đổ nát theo thời gian.
Sự phá hoại của những người ưa thám hiểm, bất chấp việc tự ý lên đảo là hành động phạm pháp, đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là những người này lại có thể đặt chân lên đảo Hart dễ dàng hơn so với người thân của những người bị chôn cất tại đây. Khác với Los Angeles, nơi hỏa thiêu người chết và tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm, New York chôn cất các cư dân tại một khu vực tách biệt với cộng đồng. Suốt nhiều năm trời, ngay cả mẹ của những đứa trẻ sơ sinh được chôn trên đảo cũng không được phép đến thăm mộ.
Các tù nhân được trả công 50 cent/giờ cho công việc chôn cất.
Một vụ kiện của tổ chức Liên hiệp Tự do Dân sự New York (NYCLU) năm 2014 đã giúp các thân nhân có cơ hội thăm mộ người thân trên đảo 1 lần/ tháng trong một ngày quy định. Tuy nhiên, mỗi đợt thăm viếng chỉ được giới hạn trong 70 người. Họ bắt buộc phải đăng ký trước, không được phép mang điện thoại, máy quay và phải ký một tờ đơn chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra nếu lên đảo như phơi nhiễm hóa chất nguy hiểm, động vật hoang dã, các tòa nhà có nguy cơ đổ sập hay vật nhọn trên mặt đất.
Vào một buổi sáng thứ 7 ảm đạm, các phóng viên của báo Daily Mail đã theo chân một nhóm người đến thăm người thân trên đảo Hart. Khi đó, trên đảo không hề có các hoạt động đào huyệt hay chôn cất. Trong suốt chuyến thăm viếng, đoàn người lặng lẽ đều được theo sát bởi một đội bảo vệ có vũ trang.
Đến khi chuyến đi sắp kết thúc, một người đề nghị chụp ảnh nhóm và những con người xa lạ đứng gần lại với nhau trong không khí khá kỳ quặc. Sau khi thay phiên lấy ảnh, họ lên đường quay lại nơi thành phố tấp nập.
Một bức ảnh trong dự án Đảo Hart của bà Hunt. Ảnh: Joel Sternfeld
Các chuyến thăm viếng trên đảo Hart có sự góp mặt thường xuyên của bà Melinda Hunt, người đã cống hiến rất nhiều thời gian cho hòn đảo cũng như những người được chôn cất tại đây. Nghệ sĩ Hunt bắt đầu có hứng thú với đảo Hart khoảng 30 năm trước, khi bà đến thăm nơi này cho một dự án nhiếp ảnh và bị cuốn hút kể từ đó.
Bà Hunt là người tạo ra dự án phi lợi nhuận Hart Island Project, trong đó bao gồm một tấm bản đồ tương tác và danh sách những người được chôn trên đảo từ năm 1980. Trang web còn tạo ra một chiếc đồng hồ cho mỗi người quá cố để xác định quãng thời gian họ bị mai táng trong tình trạng vô danh đến khi có ai đó thêm vào một câu chuyện hoặc hình ảnh tưởng niệm cuộc đời họ.
Nỗ lực của bà Hunt có vai trò rất lớn trong vụ kiện NYCLU khi phần nào mở cửa hòn đảo với gia đình của những người đã khuất và đưa đảo Hart ra ánh sáng vì rất nhiều cư dân New York không hề biết rằng người thân của họ bị đưa đến đây.
Một đoạn xương người lộ ra trên đảo vì tình trạng xói mòn. Ảnh: Joel Sternfeld
Hiện nay, hòn đảo đang rơi vào tình trạng xói mòn khiến các bộ xương bị lộ ra. Theo một báo cáo năm 2013 của Văn phòng Giám sát Y tế của New York, bờ biển phía Bắc của hòn đảo xuất hiện xương người "xói mòn từ các vách đá tại nhiều vị trí".
Vì tình trạng xuống cấp đáng báo động, đảo Hart được cấp khoảng 13,2 triệu USD sau siêu bão Sandy năm 2012 để tu sửa, khôi phục và giảm thiểu các nguy cơ tại các đê chắn sóng và bờ biển.
Trong khi các cuộc tranh cãi vẫn nổ ra xung quanh việc quản lý hòn đảo và những ngôi mộ, hàng ngày bà Hunt vẫn lắng nghe những câu chuyện từ các gia đình đang cố gắng tìm người thân trên đảo Hart.
Nhờ dự án của bà Hunt, vô số gia đình đã tìm ra nơi yên nghỉ của những người thân yêu. Một số người chọn cách khai quật mộ trong khi những người khác quyết định giữ nguyên mọi thứ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc tìm mộ lại là điều bất khả thi vì thời gian đã xóa đi mọi dấu vết.
Bà MJ Adams mất 20 năm để tìm ra nơi chôn cất của con trai mình, Juan Carlos Gabard. Trước đó, bà được thông báo Juan "được chôn cùng các bé khác". Ảnh: Daily Mail
Bình luận (0)