Đối với một số người, transhumanism (tạm dịch: "thuyết siêu nhân học", tức học thuyết cho rằng con người có thể tiến hóa vượt qua những giới hạn về thể chất, tinh thần với sự trợ giúp của công nghệ) là một phần quan trọng của tiến bộ xã hội.
Cấy ghép chip, nam châm
Cô Lepht Anonym là một trong số đó. Người phụ nữ Anh này đã trải qua 9 ca cấy ghép nam châm vào cơ thể và có niềm tin mạnh mẽ rằng những điều mà cô làm sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại cũng như thỏa mãn sự tò mò của bản thân. Các nam châm được cấy vào ngón tay cho phép cô phát hiện bức xạ điện từ để biết được thiết bị nào đang bật hoặc tắt, liệu lò vi sóng có đang hoạt động và xác định vị trí đường dây điện. Cô cũng có con chip được cấy dưới da, cho phép tương tác với điện thoại và mở khóa cửa.
Cô Anonym thừa nhận với đài BBC rằng những tính năng này không thật sự quá hữu ích trong lúc những nam châm cấy ghép lại gây không ít đau đớn. Dù vậy, người tự nhận là biohacker/bodyhacker này (tạm dịch "người bẻ khóa sinh học/cơ thể - những người thay đổi cơ thể bằng cách cấy chip, nam châm và những công nghệ khác) hy vọng những kết quả ban đầu nói trên sẽ được những người có nhiều kỹ năng hơn khai thác để phát triển thứ gì đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hâm mộ xu hướng trên. Ông Andreas Sjostrom, đứng đầu bộ phận ứng dụng di động toàn cầu của Công ty CapGemini (Anh), từng cấy chip vào năm 2015 cho phép tải về mã số khách hàng của mình từ vé máy bay và đi qua cửa an ninh chỉ bằng cách quẹt bàn tay.
Công nghệ tỏ ra hiệu quả và thu hút sự chú ý của nhân viên an ninh sân bay nhưng bản thân ông bắt đầu hoài nghi về tiềm năng của nó. "Để công nghệ này được sử dụng hoặc chấp nhận rộng rãi, nó phải cải thiện so với diện mạo hiện nay" - ông Sjostrom lý giải. Một ví dụ là phần cứng đọc loại chip này được thiết kế để hoạt động với bề mặt phẳng, như loại thẻ thường thấy. Do đó, các máy đọc nhiều lúc không nhận biết con chip khi nó được cấy vào bàn tay.
Ông Andreas Sjostrom (phải) được cấy một con chip có chứa mã số khách hàng của mình từ vé máy bay và đi qua cửa an ninh chỉ bằng cách quẹt bàn tay Ảnh: TORONTO STAR
Ước tính có hơn 10.000 người trên khắp thế giới cấy chip vào cơ thể. Xu hướng này còn lâu mới trở thành chủ đạo nhưng vẫn đang không ngừng phát triển. Hiện người ta chỉ mới cấy nam châm vào các đầu ngón tay, chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFiD) vào bàn tay và ánh sáng LED có thể chiếu sáng dưới da.
Những con chip được sử dụng để mở cửa có chứa một chuỗi số nhất định có thể được đọc bởi một thiết bị kết nối với bất kỳ vật dụng nào con người muốn mở. Trong trường hợp chip có thể chứa nhiều chuỗi số điều này đồng nghĩa chỉ cần một con chip là có thể truy cập được mọi thứ.
Còn gây tranh cãi
Ông Amal Graafstra đã lập công ty cung cấp dịch vụ cấy ghép chip Dangerous Things sau khi tin rằng có 3 lý do hợp lý để làm điều này. "Chúng ta thường phải mang theo chìa khóa, ví tiền và điện thoại. Chúng quan trọng đối với cuộc sống hiện đại nhưng không phải ai cũng thích mang theo. Với một ca cấy ghép đơn giản, ít hao năng lượng hơn và ít rủi ro hơn cả xỏ lỗ tai, chúng ta có thể thay thế chúng" - ông Graafstra giải thích.
Doanh nhân này cũng kỳ vọng chip cấy ghép có thể làm được nhiều hơn thế trong tương lai, từ đó thu hút thêm nhiều người đến với cộng đồng bẻ khóa sinh học. "Nếu ai đó có thể sử dụng chip cấy ghép để đi tàu, mua cà phê, bảo vệ máy tính và dữ liệu, mở cửa nhà, lái xe… công nghệ này có thể được đón nhận rộng rãi hơn nữa" - ông Graafstra cho biết.
Đối với ông Matt Eagles, cấy ghép chip vào não không phải là một thứ xa vời mà để giúp ông đối phó với căn bệnh Parkinson mà ông mắc phải khi còn nhỏ. Ông Eagles có 2 điện cực dài 15 cm bên trong não, được kết nối với một máy phát xung trong ngực, làm gián đoạn các tín hiệu điện đến não và cho phép ông có thể đi lại, cũng như có thêm niềm tin theo đuổi đam mê nhiếp ảnh.
Nhiều người xem y học là lĩnh vực ứng dụng chủ đạo của bẻ khóa sinh học, từ cấy ốc tai cho người khiếm thính đến viên thuốc thông minh có thể nuốt vào cơ thể. Một số người bẻ khóa cơ thể thậm chí sẵn sàng đi xa hơn thế. Hồi tháng 10-2017, ông Josiah Zayner, người có bằng tiến sĩ về hóa sinh và sinh học phân tử của Trường ĐH Chicago (Mỹ), đã tiêm ADN vào cánh tay bằng một công cụ chỉnh sửa gien gọi là Crispr với mục đích tăng cải thiện cơ bắp. Hành động tự chỉnh sửa gien này gây không ít tranh cãi về vấn đề đạo đức.
Ngoài ra, công nghệ bẻ khóa sinh học cũng đối mặt không ít rắc rối về mặt pháp lý. Mới đây, một người bẻ khóa sinh học ở Úc có tên Meow-Ludo Disco Gamma Meow-Meo đã bị phạt 170 USD vì tự ý lấy con chip trên thẻ đi lại rồi cấy vào tay. Ngay cả khi thiết bị đọc được con chip, ông này vẫn bị kết tội trốn vé khi dùng phương tiện giao thông công cộng.
Bình luận (0)