Lý lịch của Viktor được xem là không rõ ràng. Theo tuần báo Đức Der Spiegel, ông sinh ngày 13-1-1937 tại Dushanbe, thủ đô nước CHXHCN Tajikistan thuộc Liên Xô lúc bấy giờ nhưng Bout không bao giờ thừa nhận chuyện này. Ông nói Turkmenistan mới chính là quê hương ông.
Có máu kinh doanh từ nhỏ
Nếu căn cứ vào sổ hộ chiếu để tìm hiểu nơi sinh của ông Bout, theo các nhà điều tra Mỹ, càng lầm vì người mà báo chí phương Tây gán cho biệt danh “lái buôn thần chết” có hơn một chục sổ hộ chiếu khác nhau mang nhiều tên họ khác nhau như Butt, Budd, Boris, Bulakin và Aminov. Dĩ nhiên, ngày sinh tháng đẻ cũng khác nhau.
Bà Alla Bout lúc thăm chồng bị bắt ở Bangkok. Ảnh: CHUIKO
Theo Der Spiegel, Viktor Bout là người Nga, có cha làm nghề sửa chữa xe hơi và mẹ làm nghề thủ thư. Từ nhỏ, Bout đã có máu phiêu lưu và kinh doanh.
Học xong cấp ba, ông đăng ký vào Học viện Ngoại ngữ quân đội ở Moscow và mau chóng trở thành một huyền thoại về kỹ năng học ngoại ngữ. Ông thành thạo 8 ngoại ngữ.
Về mối quan hệ của Bout với tình báo Nga, có nhiều nguồn tin khác nhau. Der Spiegel nói ông học một khóa huấn luyện tình báo quân đội nhưng Viktor Bout đã bác bỏ chuyện này.
Tờ The Economist của Anh nói ông là thiếu tá GRU - một cơ quan làm hai nhiệm vụ tình báo và biệt kích của quân đội Liên Xô. Năm 2002, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc nói cha vợ ông từng là cán bộ cao cấp của KGB trong khi Der Spiegel nói Alla - vợ ông - là con gái của một nhà ngoại giao Nga.
Vốn giỏi tiếng Bồ Đào Nha, cuối thập niên 1980, ông được Hồng quân Liên Xô biệt phái đến Mozambique và Angola làm thông dịch viên. Lúc đó Liên Xô ủng hộ các phong trào chống thực dân ở châu Phi. Trở về Moscow, ông xuất ngũ năm 1991 với cấp bậc trung tá.
Sau khi Liên Xô tan rã, máy bay vận tải không quân Nga và các nước thuộc Liên Xô nằm không trong một thời gian dài ở các sân bay quân sự. Nhiều kho vũ khí không được quản lý một cách chặt chẽ, nhất là ở các nước nhỏ và xa như Moldova.
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, Viktor Bout mua 3 chiếc máy bay vận tải kiểu Antonov với giá rẻ bất ngờ 40.000 USD/chiếc để lập một đội máy bay vận tải hàng hóa đăng ký kinh doanh ở các nước mà luật pháp lỏng lẻo và thuế thấp như Guinea Xích Đạo và Cộng hòa Trung Phi. Về đội ngũ phi công, Bout tuyển dụng dễ dàng nhiều phi công giỏi Đông Âu lúc đó đang thất nghiệp dài dài.
Được Mỹ che chở
Chiến tranh lạnh kết thúc, chính phủ các nước nghèo ở châu Phi và Trung Á không còn nhận được tài trợ từ các nước lớn và bắt đầu sụp đổ, dẫn tới những cuộc nội chiến.
Các phe phái cần vũ khí liên hệ với những lái buôn. Bout là một trong các lái buôn đó và không bao lâu, theo báo chí phương Tây, trở thành lái buôn lớn nhất với một đội máy bay lên đến 50 chiếc.
Viktor Bout, máy bay hãng Irbis Air và vũ khí được cho là Bout định cung cấp cho FARC. Ảnh: E.R
Hai nhà báo Mỹ Douglas Farah và Stephen Braun, tác giả cuốn Lái buôn thần chết, cho biết Bout bán vũ khí cho bất cứ ai, không cần biết khuynh hướng chính trị. Bout cung cấp “hàng nóng” cho cả chính phủ lẫn phe nổi dậy chống chính phủ ở Angola.
Bout là một doanh nhân sống ẩn dật, không rượu chè, không chơi bời, không tiếp xúc với báo chí. Và càng bí ẩn, Bout càng đắt khách.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo từng thuê Bout chở lính gìn giữ hòa bình và hàng cứu trợ nhân đạo ở Somalia và Congo, nơi diễn ra những cuộc nội chiến đẫm máu trong thập niên 1990.
Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq. Chính phủ Mỹ thuê hãng máy bay Irbis Air đăng ký ở Kazakhstan chở lính và thiết bị quân sự đến hai chiến trường này. Chủ nhân Irbis Air không ai khác hơn là Viktor Bout. Mỹ có biết điều này hay không?
Theo nhà báo Braun, Washington biết nhưng với phương châm “ai không chống ta tức là bạn ta”, Mỹ vẫn xài Bout vì có lợi cho Mỹ. Thậm chí năm 2002, khi Pháp soạn thảo nghị quyết yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt những lái buôn vũ khí vô cảm ở Congo, trong đó có Bout, Mỹ từ chối đứng tên trong nghị quyết. Lý do: Lúc đó, Bout đang phục vụ Mỹ ở chiến trường Afghanistan.
Sa cơ
Sự nghiệp làm giàu của Viktor Bout bắt đầu lung lay khi Mỹ và các nước phương Tây cảm thấy đe dọa bởi các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan. Bout bắt đầu bị truy nã bởi họ sợ gã lái buôn này phục vụ lợi ích của bọn khủng bố.
Năm 2002, Interpol phát lệnh truy nã đỏ đối với Bout vì can tội rửa tiền. Cũng năm này, khi Bout bay từ Moldova đến Hy Lạp, nhờ được mật báo biết tình báo Anh đón bắt tại sân bay Athens, Bout đáp xuống một nước thứ ba.
Tháng 7-2004, Mỹ phong tỏa tài khoản ngân hàng của Bout sau khi cáo buộc Bout buôn lậu vũ khí nuôi dưỡng chiến tranh ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ liệt Bout vào danh sách đen năm 2005.
Không rời một bước khỏi Moscow nhưng tháng 3-2008, Bout mắc phải sai lầm lớn nhất trong đời. Ông bay đến Bangkok thuê phòng ở tầng 14 khách sạn 5 sao Sofitel. Để làm gì ? Theo bà Alla, chồng bà đi Thái Lan với một người bạn để nghỉ mát mà không ngờ bị ông bạn này “bán đứng” cho Mỹ.
Kỳ tới: Lộ diện du kích FARC dỏm
Bình luận (0)