Bạo lực đã bùng phát tại một số cuộc biểu tình, như xe buýt bị đốt ở thủ đô Brasilia và một số tòa nhà bị tấn công tại TP Sao Paulo, buộc chính phủ huy động lực lượng an ninh đối phó.
Dự luật tranh cãi nêu trên - với tên gọi PEC 55 - áp đặt mức trần chi tiêu công, cụ thể là giới hạn các khoản đầu tư của chính phủ liên bang vào các chương trình xã hội trong vòng 20 năm tới, chỉ cho phép chi tiêu công tăng ở mức tỉ lệ lạm phát trong năm ngoái.
Chính Tổng thống Michel Temer đã đề xuất mức trần này nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt ngân sách, được xem là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy thắt lưng buộc bụng để cứu vãn nền kinh tế trì trệ của Brazil - theo hãng tin Reuters.
Chính phủ ông Temer còn trình quốc hội đề xuất cải tổ hệ thống lương hưu - được xem là biện pháp bổ sung cần thiết khác để khôi phục sự cân bằng về tài chính. Chính phủ Brazil hy vọng 2 biện pháp mạnh này sẽ thu hút các nhà đầu tư quay trở lại, từ đó chấm dứt tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng mấy thập kỷ qua.
Trái lại, các nghiệp đoàn lao động và các nhóm cánh tả cho rằng động thái giới hạn chi tiêu công sẽ hủy hoại các ngành giáo dục và y tế, đồng thời làm tổn thương người nghèo ở Brazil.
Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Thăm dò Datafolha cho thấy 60% người dân Brazil phản đối dự luật trên vì lo sợ các khoản ngân sách dành cho giáo dục và y tế sẽ bị ảnh hưởng.
Kế hoạch cải tổ lương hưu dự kiến cũng đối mặt sự phản đối mạnh mẽ trong năm tới khi tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng suy thoái kinh tế có nguy cơ kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp.
Bình luận (0)