Đây được coi là một trong những căn cứ trực thăng lớn nhất của Syria, nơi từng tung ra những cuộc không kích chặn đà tiến của quân nổi dậy.
Sau nhiều tháng chiến đấu, việc đánh chiếm căn cứ không quân Taftanaz có thể giúp quân nổi dậy củng cố thành lũy của họ ở phía Bắc Syria. Thế nhưng, theo phân tích của Yezid Sayigh ở Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut (Lebanon) thì điều đó không tạo ra cục diện mới, nó chỉ là thắng lợi “mang tính chiến thuật hơn là chiến lược”.
Sáu tháng trước đây, các cường quốc thế giới gặp nhau ở Geneva đã đề nghị một chính phủ chuyển tiếp nhưng để ngỏ vai trò của Assad. Hôm thứ tư tuần này, ông Brahimi trao đổi với Reuters rằng nhà lãnh đạo Syria có thể không đóng vai trò nào trong một cuộc chuyển tiếp như thế và gợi cho thấy đã đến lúc ông ấy ra đi. Phản hồi một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Syria đã mắng nhiếc nhà ngoại giao kỳ cựu người Algeria là “thiên vị trắng trợn”.
Nga lập luận rằng các cường quốc bên ngoài không nên quyết định ai sẽ là người tham gia vào chính phủ chuyển tiếp. “Chỉ có chính người dân Syria mới có thể đồng ý về một hình mẫu hay sự phát triển của đất nước họ” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich nhấn mạnh.
Đó là điều Moscow mong muốn, thế nhưng, người dân Syria có vẻ như không cùng nhìn về một hướng như vậy. Liên minh Quốc gia Syria, một nhóm đối lập có thế lực ở nước ngoài, hôm thứ sáu cho biết tại một cuộc gặp với các nhà ngoại giao ở London mới đây, họ đã đưa ra một kế hoạch chuyển tiếp với tinh thần giữ nguyên vẹn các tổ chức của chính phủ. Nhưng kế hoạch đó đã không nhận được sự tán thành từ những người ủng hộ họ ở nước ngoài.
Không kết thúc được cuộc chiến, nỗi khổ của thường dân Syria tăng lên từng ngày, đặc biệt khi mùa đông đang về với cái lạnh thấu xương.
Bình luận (0)