Idriss Nassan - một chỉ huy của lực lượng tự vệ người Kurd tại Syria hôm 15-10 cho biết lực lượng này đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống IS, trong đó có việc giành lại quyền kiểm soát một ngọn đồi chiến lược ở thị trấn Kobane giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là ngọn đồi Tel Shair vốn rơi vào tay các phiến quân IS vào tuần trước.
Kobane vẫn có thể thất thủ, Baghdad an toàn
“Có thể trước đó các tay súng Hồi giáo cực đoan IS đã kiểm soát 40% thị trấn Kobane nhưng hiện nay chúng chỉ còn chiếm giữ chưa đầy 20% thị trấn” – ông Nassan cho hay.
Người Kurd thắng thế ở Kobane. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thông báo các cuộc không kích do Mỹ và đồng minh thực hiện đã tiêu diệt hàng trăm tay súng IS tại thị trấn biên giới này. Tuy nhiên ông cũng thận trọng cảnh báo Kobane vẫn có thể thất thủ, đồng thời nhấn mạnh Lầu Năm Góc hiện chưa nhận thấy mối đe dọa trước mắt nào đối với an ninh của thủ đô Baghdad của Iraq. Trong khi đó, quân đội Iraq cũng tuyên bố tiêu diệt ít nhất 52 tay súng IS xung quanh nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này tại khu vực Baiji thuộc tỉnh Salahaddin.
Mỹ "giấu kho vũ khí hóa học Iraq"
Báo New York Times hôm 15-10 tiết lộ quân đội Mỹ đã giấu kho vũ khí hóa học tìm thấy tại Iraq và phần lớn số vũ khí đó hiện đang nằm tại khu vực do IS chiếm giữ! Theo đó, binh lính Mỹ đã phát hiện khoảng 5.000 đầu đạn hóa học sau cuộc đổ bộ vào Iraq trong chiến dịch lật đổ Saddam Hussein năm 2003.
Trong khoảng thời gian 2004-2011, ít nhất 17 quân nhân Mỹ và 7 cảnh sát Iraq đã tìm thấy các chất hóa học gây tê liệt thần kinh hay khí mustard nhưng đều được Lầu Năm Góc tìm cách lấp liếm, theo New York Times.
Một số vũ khí được thiết kế tại Mỹ và sản xuất ở châu Âu. Chúng chứa các chất hóa học sản xuất ở Iraq, từ không ít nguyên vật liệu mua ở Mỹ.
Chiến dịch chống IS: Dội bom trước, đặt tên sau
Hơn 2 tháng sau khi Mỹ mở cuộc không kích đầu tiên nhằm vào IS, chiến dịch quân sự này mới có một cái tên: “Inherent Resolve” (tạm dịch: Quyết tâm vốn có).
Thông tin này được công bố giữa lúc nhiều câu hỏi bắt đầu nổi lên về việc tại sao chiến dịch quy tụ hàng chục nước tham gia và đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích ở cả Iraq và Syria này lại chưa được đặt tên.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ khẳng định cái tên “Inherent Resolve” phản ánh “quyết tâm không thể thay chuyển và cam kết sâu sắc của Mỹ và các đối tác trong khu vực cũng như trên toàn cầu” nhằm tiêu diệt phiến quân IS. Tuy nhiên, lý do tại sao cái tên lại “sinh sau đẻ muộn” như vậy vẫn chưa được tiết lộ.
Mỗi chiến dịch can thiệp quân sự ở nước ngoài của Mỹ đều có tên kể từ chiến dịch “Vì chính nghĩa” ở Panama năm 1989.
Thậm chí cả chiến dịch chống lại dịch Ebola ở Tây Phi cũng được đặt tên ngay ngày đầu tiên phát động, với cái tên được công bố là “Chiến dịch Hỗ trợ thống nhất”, dù một số quan chức quân sự nói cái tên này giống hệt tên của chiến dịch cứu trợ nạn nhân sóng thần năm 2004.
Bình luận (0)