Một mình đối mặt với tướng cướp
Gia đình họ Quách có ba anh em là Walter Kwok (Quách Bỉnh Tương, năm nay 62 tuổi), Thomas Kwok (Quách Bỉnh Giang, 60 tuổi) và Raymond Kwok (Quách Bỉnh Liên, 58 tuổi). Năm 2008, ba anh em nắm giữ các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và tổng giám đốc điều hành (CEO) Công ty Tân Hồng Cơ.
Mâu thuẫn giữa ba anh em bắt đầu từ lúc Walter Kwok bị tướng cướp Trịnh Tử Cương, người có biệt danh “Xài tiền như nước” ở lục địa, bắt cóc ngày 30-9-1997. Khi Tử Cương đòi trả tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đô la Hồng Kông, hai anh em Thomas và Raymond Kwok đã phản đối quyết liệt, không chịu trả tiền.
Bà Quảng Tiêu Hằng và Thomas Kwok (bên phải). Ảnh: Wiki
Cuộc thương lượng kéo dài nhiều giờ trước khi chốt lại số tiền chuộc là 600 triệu đô la Hồng Kông (lúc đó tương đương 77,3 triệu USD), một kỷ lục ở Hồng Kông. Trịnh Tử Cương sau khi nhận được tiền liền bị bắt tại đại lục và bị tòa án Quảng Châu xử bắn ngày 16-12 -1998.
10 năm sau, mâu thuẫn giữa anh em nhà họ Quách lên đến đỉnh điểm khi ông anh cả Walter Kwok bị hai người em hất khỏi chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tân Hồng Cơ bằng một thủ đoạn mà theo Walter là bất chính.
Buộc con từ chức
Walter Kwok. Ảnh: Star
Thực tế không phải như thế. Nhật báo Hoa ngữ Thanh Đảo và The Standard (cả hai cùng một chủ) cho biết chính bà Quảng, lúc đó nắm toàn bộ cổ phần của Tân Hồng Cơ, đã buộc Walter phải rút lui khỏi Tân Hồng Cơ để bảo vệ tài sản gia tộc họ Quách trị giá 24 tỉ USD vào thời điểm 2007.
Tỉ phú Lý Triệu Cơ, người đồng sáng lập Công ty Tân Hồng Cơ, đã xác nhận tình tiết ly kỳ nói trên với báo chí Hồng Kông. Theo tường thuật của nhật báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, với tư cách là giám đốc cố vấn Tân Hồng Cơ tham gia cuộc họp HĐQT công ty, ông Lý cho biết trong lúc ba anh em nhà họ Quách đang to tiếng với nhau giữa phiên họp thì bà Quảng đột ngột xuất hiện tuyên bố: “Tôi không cho rằng họ đang cãi nhau. Nêu quan điểm khác nhau là chuyện bình thường”. Nói xong, bà tiến tới chỗ Walter yêu cầu ông này rời khỏi ghế chủ tịch và nghỉ ngơi. Bà giải thích với HĐQT không muốn quan hệ giữa anh em một nhà căng thẳng quá.
Đó là những tình tiết chưa bao giờ được gia tộc họ Quách và Công ty Tân Hồng Cơ xác nhận. Mãi đến ngày 16-5-2008, khi ông chủ tịch thất sủng đâm đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm Hồng Kông về việc hai người em ông lật lọng, vi phạm cam kết đã thỏa thuận trước đó, người dân Hồng Kông mới biết bên trong gia tộc họ Quách đang diễn ra một cuộc “nồi da xáo thịt” vì tiền.
Loạn thần kinh?
Theo ông Walter, trước buổi họp HĐQT kể trên, ông đã thỏa thuận với hai người em rằng sau 2-3 tháng tạm nghỉ, ông sẽ trở lại chức vụ cũ với một số điều kiện cụ thể, trong đó có việc chứng minh bằng hai chứng từ y khoa rằng ông hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trong khi ông còn ở nước ngoài, hai người em của ông đã gửi thư cho các ủy viên HĐQT vu khống ông mắc bệnh rối loạn thần kinh và là một kẻ dối trá không xứng đáng làm chủ tịch. Điều này khiến cho ông Walter – một ủy viên thường vụ Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – “bị tổn thương uy tín và suy sụp tinh thần”, theo nguyên văn tờ đơn.
Đồng thời, ông Walter cũng làm đơn kiện gửi cảnh sát Hồng Kông đối với bác sĩ tâm thần Mỹ Jose Maldonado, người mà ông cho rằng hoạt động bất hợp pháp ở Hồng Kông, lập chứng từ giả nói ông mắc bệnh tâm thần. Chứng từ này đã được nêu trong lá thư gửi các ủy viên HĐQT của hai phó chủ tịch Thomas và Raymond Kwok.
Sau khi ông Walter bị phế truất và chỉ được giữ lại làm giám đốc cố vấn trong công ty không có quyền biểu quyết, bà Quảng được bầu làm chủ tịch Tân Hồng Cơ bởi “có trên 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản”. Tháng 12-2011, bà tuyên bố về hưu ở tuổi 82, nhường quyền lãnh đạo công ty cho Thomas và Raymond Kwok. n
Kỳ tới: Người tình giấu mặt
Bình luận (0)