Các cử tri tại điểm bỏ phiếu ở Solesmes, Tây Bắc nước Pháp. Ảnh: Sky News
Chờ hàng giờ để bỏ phiếu
Theo đài CBC của Canada, các công dân Pháp sống tại tỉnh British Columbia, Tây Canada, đã xếp hàng nhiều giờ để bỏ phiếu vòng 2 trong cuộc bầu cử tổng thóng Pháp diễn ra hôm 6-5.
"Tôi đã đợi 2 giờ trong cuộc bầu cử đầu tiên, nên tôi biết mình phải giữ cho bản thân bận rộn"- Xavier Moulin, công dân Pháp bỏ phiếu tại Tổng lãnh sự Pháp tại Vancouver, chia sẻ khi đang xếp hàng để bỏ phiếu.
Người này nói thêm: "Tôi mang theo cả sạc điện thoại và một cuốn sách. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải đợi để bỏ phiếu".
Công dân Pháp ở nước ngoài bỏ phiếu sớm 1 ngày so với những người sống trong nước.
Trong bối cảnh an ninh được thắt chặt, 47 triệu cử tri đã đăng ký bầu cử của Pháp sẽ lựa chọn ai sẽ trở thành người lèo lái đất nước, giữa một ứng cử viên cực hữu và một nhân vật trung dung mới nổi với những tầm nhìn đối lập trong nhiều vấn đề, từ châu Âu, kinh tế tới nhập cư…
Hai cái tên trên những lá phiếu để lựa chọn là ông Emmanuel Macron, với quan điểm thân thiện với EU cũng như kinh doanh và bà Marine Le Pen, người theo đuổi chiến lược chống nhập cư và "nước Pháp là trên hết".
Trước vòng bỏ phiếu cuối cùng này 1 ngày, cuộc bầu cử bị phủ bóng đen bởi những tiết lộ cho thấy Đảng En Marche! của ông Macron phải hứng chịu một vụ tấn công mạng quy mô lớn. Các tài liệu về chiến dịch tranh cử, thông tin cá nhân, nghề nghiệp và tài chính bị tung lên mạng. En Marche! gọi đây là nỗ lực "gây bất ổn dân chủ" nhằm phá hoại cơ hội của ông Macron.
Những diễn biến mới nhất cho thấy cuộc bầu cử này đang gây bối rối và lựa chọn khó khăn cho nhiều cử tri.
Các đại diện của cánh tả và cánh hữu truyền thống đã bị loại ngay vòng đầu tiên, để lại ông Macron và bà Le Pen đấu tay đôi trong vòng "nốc ao" cuối cùng.
Quản lý kinh tế và việc làm là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử, tuy nhiên các cử tri lại thêm một nỗi lo lắng khác khi nổ ra vụ việc một tay súng vũ trang đã gây hỗn loạn tại đại lộ Champs-Elysees, Paris hôm 20-4, ngay trước vòng bầu cử đầu tiên, khiến lực lượng an ninh phải vào cuộc, tay súng này đã bắn chết một cảnh sát và làm bị thương một người khác.
Ngay lập tức, an ninh được thắt chặt tại các điểm bỏ phiếu, cảnh sát và quân đội đã được huy động để đảm bảo việc bầu chọn Tổng thống Pháp có thể tiếp tục an toàn.
Gian nan tìm người kiểm phiếu
Gần 47 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu, với 1,3 triệu cử tri sống ở nước ngoài. Kết quả được theo dõi sát sao trên toàn cầu cũng như tại nước Pháp.
Cuộc bỏ phiếu được bắt đầu từ 8 giờ, theo giờ địa phương(14 giờ theo giờ Việt Nam) và tới 19 giờ theo giờ Pháp tại hầu hết các điểm bỏ phiếu, 20 giờ tại các thành phố lớn bao gồm cả Paris.
Một số thị trưởng Pháp đã phải vật lộn mới tìm được người đủ điều kiện để kiểm phiếu. Những người kiểm phiếu thường đến từ các chính đảng của Pháp - Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, nhưng lần này cả hai đảng đều đã bị loại khỏi cuộc đua từ sớm, nên ở một số khu vực, các quan chức thành phố đã phải đảm nhiệm công việc này.
Cuộc thăm dò cho thấy nhiều cử tri có ý định ở nhà bởi không thấy ứng cử viên nào "chấp nhận được" sau khi đảng của họ bị loại khỏi cuộc đua.
Dự kiến đây sẽ là cuộc bỏ phiếu với số phiếu thấp kỷ lục của một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp - sự kiện vốn luôn thu hút rất đông đảo sự quan tâm của người dân.
Nhiều người bỏ phiếu cho biết họ đang lựa chọn "ứng cử viên ít tệ hại hơn trong hai điều tệ hại". Khoảng 60.000 điểm bỏ phiếu được mở ra khắp nước Pháp nhưng nhiều điểm dự kiến sẽ có kết quả rất sớm sau khi đóng cửa.
*Tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)