Ông Hollande không chia sẻ thêm thông tin nào mà chỉ khẳng định rằng ông biết rủi ro của những cuộc tấn công mạng vì nó đã "xảy ra ở quốc gia khác".
Trong chuyến viếng thăm trung tâm văn hóa ở thủ đô Paris, ông Hollande khẳng định: "Chúng ta đã biết trước được rằng sẽ có những mối đe dọa như thế này xảy ra trong mùa bầu cử vì nó đã từng xảy ra ở quốc gia khác. Sẽ có hành động đáp trả".
Ông Hollande nói thêm rằng ông không biết liệu cuộc tấn công có phải nhằm mục đích gây bất ổn cho cuộc bầu cử hay không.
Tổng thống Pháp François Hollande (Phải) ở thủ đô Paris hôm 6-5. Ảnh: EPA
Liên quan đến vụ tấn công, ê-kíp tranh cử của ông Macron khẳng định các tài liệu mật của họ, bao gồm email và các dữ liệu tài chính, đã bị tin tặc tấn công và tung lên mạng. Sau đó, vào chiều 5-5 hashtag #MacronLeaks (Tài liệu rò rỉ của ông Macron) bắt đầu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Twitter. Chưa đầy 4 giờ sau lần xuất hiện đầu tiên, hashtag #MacronLeaks đã được sử dụng hơn 47.000 lần.
Ủy ban bầu cử Pháp sau đó cảnh báo truyền thông và người dân rằng việc lan truyền chi tiết về vụ tấn công mạng nhắm vào ứng viên Macron là vi phạm quy tắc bầu cử và có thể bị truy tố hình sự.
Lệnh cấm này có hiệu lực vào 0 giờ (giờ địa phương) ngày 6-5. Theo đó, thông tin bị cho là có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử này không được phép lan truyền cho đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào 20 giờ (giờ địa phương) ngày 7-5. Giới chính trị gia và truyền thông cũng không được phép bình luận về vụ rò rỉ tài liệu.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc thực thi lệnh cấm này là một điều gần như không thể, đặc biệt là trong bối cảnh các trang mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến.
Ứng viên tranh cử tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Hiện vẫn chưa rõ tổ chức nào đứng sau vụ tấn công. Ê-kíp tranh cử của ông Macron không đưa ra bất cứ cái tên cụ thể nào mà chỉ khẳng định các tin tặc đến từ Nga và Ukraine đứng sau vụ việc. Trước đó, trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, các thành viên đảng Dân chủ cũng khẳng định bị tin tặc Nga tấn công.
Bình luận (0)