Ông Francois Hollande đã đánh bại Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử vòng 2 hôm chủ nhật, báo hiệu sự chuyển đổi lãnh đạo sang cánh tả giữa lúc đất nước và châu Âu đang nỗ lực tìm lối ra cho nền kinh tế yếu kém.
Trong bài diễn văn đọc trước những người ủng hộ ở thị trấn Tulle, ông Hollande tuyên bố chiến thắng của ông là “vĩ đại đối với đất nước chúng ta và là khởi đầu mới cho châu Âu”. Ông nói: “Nhiều người chờ đợi thời điểm này trong nhiều năm dài. Những người khác, trẻ tuổi hơn, chưa bao giờ biết đến một thời khắc như vậy… Tôi tự hào có khả năng tạo hy vọng một lần nữa. Đêm nay, không có hai mà chỉ có một nước Pháp, chỉ có một dân tộc thống nhất cùng chung vận mệnh”.
mừng chiến thắng với những người ủng hộ tại Quảng trường Bastille ở Paris vào sáng 7-5. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc gặp ở Tulle, ông Hollande đã bay đến Paris - nơi có hàng chục ngàn ủng hộ viên đang tập hợp tại Quảng trường Bastille. Tại đây, ông nói: “Tôi là tổng thống của giới trẻ Pháp” và gieo vào họ niềm hy vọng có thêm việc làm và thu nhập.
Là vị tổng thống được bầu thuộc cánh tả đầu tiên kể từ khi tổng thống Francois Mitterrand mãn nhiệm vào năm 1995, ông Hollande ám chỉ có một cảm giác khuây khỏa ở nhiều quốc gia châu Âu vì chiến thắng của ông. Ông nói sự khắc khổ không còn là điều không thể tránh được nữa.
Ông Hollande cũng không quên dành những lời đánh giá cao đối với ông Sarkozy, người trước đó đã thừa nhận thất bại và mong mọi người dành sự tôn trọng đối với ông Hollande. Khi được hỏi ông sẽ làm gì sau thất bại này, tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy nói: “Tôi sẵn sàng trở thành một người Pháp giữa những người Pháp”. Đài CNN dẫn nguồn Bộ Nội vụ Pháp cho biết sau khi gần như tất cả số phiếu đã được đếm, ông Hollande giành được 51,6% số phiếu so với 48,4% của ông Sarkozy. Tổng số cử tri đi bầu đạt hơn 80%.
Vài giờ sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố, người dân Pháp đã nhìn thấy ông Hollande rạng rỡ trên trang bìa các tờ báo Pháp vào sáng 7-5. Nhật báo cánh tả Libération chạy tít “ngài Bình thường” (Normal), gợi ý rằng hình ảnh của tân tổng thống luôn giản dị như một người của dân chúng.
Ông Hollande đã bắt tay ngay vào việc thành lập một chính phủ mới vào ngày 7-5. Theo kế hoạch, sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 15-5, ông Hollande sẽ đến Đức ngay sau đó để bày tỏ sự nghi ngại về các chính sách khắc khổ và nhấn mạnh những ý tưởng mới về khủng hoảng nợ khu vực đồng euro. Hành trình mới với những thách thức phía trước đang chờ ông.
Lãnh đạo nhiều nước chúc mừng Ngay sau khi Pháp công bố kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống với phần chắc thắng nghiêng về ứng cử viên Francois Hollande thuộc Đảng Xã hội, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp và kỳ vọng tới ông chủ tương lai của Điện Élysée. Ngày 7-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chúc mừng tới ông Francois Hollande nhân dịp ông được bầu làm tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Thủ tướng Anh David Cameron gọi điện cho ông Hollande khẳng định sẽ hợp tác với người đứng đầu Đảng Xã hội để thúc đẩy quan hệ Anh - Pháp. Trước bầu cử, Pháp và Anh vẫn bất đồng về Hiệp ước Tài chính châu Âu, với việc London từ chối ký nếu văn bản này được sửa đổi, trong khi ông Hollande tuyên bố sẽ thương lượng lại vấn đề này. Mặc dù trước bầu cử công khai ủng hộ đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy giành chiến thắng nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời ông Hollande đến thăm Đức. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ Pháp - Đức đối với châu Âu, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy sự hợp tác tốt đẹp và tin cậy giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Barack Obama mời ông Hollande đến Nhà Trắng vào cuối tháng này, đồng thời tỏ ý sẽ làm việc chặt chẽ với tổng thống tương lai của Pháp và chính phủ dưới quyền ông về một loạt thách thức kinh tế và an ninh mà hai bên cùng quan tâm. Trong danh sách các nước gửi điện chúc mừng ông Hollande còn có Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Nga, Yemen, Israel, các nước vùng vịnh…
Bình luận (0)