Những con ruồi bay quanh cái chén trên tay. Mùi hôi thối nồng nặc. Rác rưởi chung quanh. Những kẻ sống trong cảnh tạm bợ như nêu trên ở Apulia, cách thủ đô Rome về phía Đông Nam khoảng 4 giờ lái xe, gọi nơi họ sinh sống là “Ghetto” - khu ổ chuột. Họ cũng gọi đó là “Tân Mogadishu”, thủ đô vô trật tự của Somalia, nơi mạng sống chỉ đáng giá bằng một viên đạn không hơn không kém.
Mắc kẹt ở Apulia
Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), 45 triệu người trên khắp thế giới đã phải tìm kiếm nơi ở mới để trốn tránh các cuộc xung đột vũ trang. Đó là con số cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong số này, 55% người tị nạn đến từ 5 quốc gia: Afghanistan, Somalia, Iraq, Syria và Sudan. |
Liên Hiệp Quốc ước tính 56.000 thuyền nhân từ các nước châu Phi tìm đến Ý năm 2011. Con số trên đã giảm đáng kể trong năm 2012 nhưng hiện vẫn còn hàng ngàn người tị nạn ở nước này. Trong số 3 người tị nạn ở Ý, có hơn 1 người được cấp phép cư trú. Một vài quốc gia khác thuộc Liên hiệp châu Âu tỏ ra rộng rãi với việc cấp phép cư trú nhưng người tị nạn ở Ý phải tự lo liệu. Chỉ một số ít có thể tìm được việc làm và nơi để tạm trú. Họ sống trong công viên hay ở các khu ổ chuột như “Ghetto” ở vùng Apulia. Hậu quả là dân tị nạn trở thành mục tiêu của những vụ tấn công của những kẻ cực đoan cánh hữu. Đàn ông làm việc với mức lương thấp trên cánh đồng hoặc công trình xây dựng, còn phụ nữ bán dâm.
Không được chào đón
Theo một công trình nghiên cứu của tổ chức Thầy thuốc Không biên giới, nhà chức trách Ý biết rõ điều kiện làm việc trên cánh đồng của những người nhập cư nhưng họ chẳng tuyên bố gì bởi vì khu vực nông nghiệp nước này cần những nhân công lương thấp. Một người làm trang trại ở Foggia cho biết bây giờ chẳng mấy người Ý chịu làm việc ngoài đồng. Nếu không có người châu Phi hay người Đông Âu, một nửa số nông trại trong khu vực này đã bị đóng cửa từ lâu.
Thế nhưng, dân nhập cư vẫn không được chào đón ở Ý. Những người tị nạn rời khỏi trại tiếp nhận sau 1 hoặc 2 năm phải tự xoay xở lấy cuộc sống. Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp có thành kiến với người da đen. Năm 2012, Hội đồng châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bài ngoại và các vụ bạo lực phân biệt chủng tộc đối với dân nhập cư đang ngày càng tăng ở Ý.
Riêng ở Rome, khoảng 4.000 người tị nạn sống vất vưởng ngoài đường phố hoặc chui rúc trong những căn nhà trống. Tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ khi chính phủ Ý đóng cửa những nhà trọ do chương trình Khẩn cấp Bắc Phi tài trợ. Chỉ sau một đêm, khi thức dậy, hàng ngàn người đã mất nơi trú thân. Một số hiện đang sống tạm bợ tại các nhà ga xe lửa ở Rome, ngủ trên những đường ray bỏ phế hoặc trong những tòa nhà bỏ hoang ở ngoại ô. Khi ông Nils Muižnieks, ủy viên nhân quyền của Hội đồng châu Âu, đến một trong những nơi này, ông đã phải thốt lên rằng ông cảm thấy choáng vì điều kiện sống của dân cư tại đây. Trong bản báo cáo của mình, ông viết rằng nước Ý hoàn toàn thiếu vắng hệ thống bình quyền và điều đó đã dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền.
Ở Đức, những người được công nhận là dân tị nạn đều được hưởng các dịch vụ xã hội, nhà ở và những khóa học hội nhập. Nhưng nước Ý chẳng cung cấp bất cứ thứ gì cho dân tị nạn. Theo ước tính của Hội đồng Tị nạn Ý, SPRAR - chương trình bảo hộ của nhà nước Ý - chỉ có 3.000 chỗ ở trong khi có đến 75.000 người có nhu cầu. Hậu quả là nhiều người tị nạn trở thành kẻ vô gia cư ngay khi họ rời khỏi trại tiếp nhận.
Bị trục xuất về Ý Các tòa án ở Đức cũng quan ngại về tình hình như nêu trên ở Ý. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn tiếp tục trục xuất dân tị nạn về Ý. Ông Manfred Schmidt, Chủ tịch Văn phòng Di dân và Tị nạn Liên bang, đã biết rõ dân tị nạn bị đối xử ra sao ở Ý.
Thế nhưng, ông cũng biết rằng cấp trên của mình là Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich, thành viên của Liên đoàn Cơ đốc giáo bảo thủ, thích nhận mình là người kiên định lập trường khi nói đến những kẻ gọi là “dân nhập cư vì nghèo khổ”, những người đến nước này với ý định sống nhờ hệ thống phúc lợi xã hội. Kết quả là ông Schmidt tuyên bố chẳng có lý do gì để thay đổi bất cứ điểm nào trong chính sách trục xuất người tị nạn về Ý. |
Bình luận (0)