Cô gái 28 tuổi này thuê một căn hộ ở chung với 2 người bạn tại thủ đô Bắc Kinh và tập trung nhiều hơn cho việc kiếm tiền hoặc sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Cô gái trẻ này không hy vọng mình sẽ kết hôn và làm mẹ trong tương lai gần. Theo tờ The New York Times, những người có quan điểm như cô Tống không còn hiếm ở Trung Quốc, tác động không nhỏ đến kinh tế và xã hội nước này.
Theo thống kê, khoảng 12 triệu cặp đôi Trung Quốc đăng ký kết hôn trong năm 2015 - năm thứ 2 liên tiếp con số này sụt giảm. Trong khi đó, số trường hợp ly hôn là 3,8 triệu, nhiều hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước. Có không ít lý do khiến giới trẻ Trung Quốc không còn mặn mà với hôn nhân như trước. Nguyên nhân được nói đến đầu tiên là tỉ lệ sinh giảm, một phần do chính sách một con kéo dài 35 năm trước khi chính thức được bãi bỏ hồi tháng 1. Cùng với đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới, khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Trách nhiệm với gia đình cũng là điều khiến giới trẻ ngại kết hôn. Thông thường, các cặp vợ chồng sẽ chăm sóc cha mẹ của hai bên và không ít xem đây là một gánh nặng. Một nguyên nhân đáng chú ý khác là số lượng phụ nữ có trình độ học vấn cao ngày càng nhiều. Các chuyên gia nhận định một số phụ nữ có sự nghiệp hoặc tài chính vững chắc không còn xem hôn nhân là con đường duy nhất dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc, an toàn hơn mà họ hy vọng.
Thực trạng “chạy trốn” hôn nhân đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế Trung Quốc. Người độc thân có ít nhu cầu mua nhà, đồ chơi trẻ em, vật dụng gia đình hơn những cặp đôi đã kết hôn. Điều này khiến Bắc Kinh gặp khó trong nỗ lực thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, từ đó giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động xuất khẩu và những dự án “khủng” của chính phủ.
Để đối phó, truyền thông Trung Quốc liên tục nhấn mạnh đến hôn nhân, đồng thời kêu gọi phụ nữ không chờ đợi cho đến khi tìm được “người trong mộng”. Dù vậy, cô Ngô Tinh Tinh, nhân viên một công ty internet, cho biết bản thân sẽ tiếp tục sống độc thân cho đến khi tìm thấy người tâm đầu ý hợp. “Trước đây, nhiều người gặp nhau chỉ vì được mai mối và muốn tìm một người sống chung đến trọn đời. Không có nhiều người có được mối quan hệ dựa trên tình yêu. Ngày nay, nhiều người phản đối lối sống cũ và muốn tìm cho mình người bạn đời thích hợp” - cô gái 29 tuổi này nhận định.
Trong lúc này, một số doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng độc thân. Chẳng hạn như công ty môi giới bất động sản trực tuyến Jiajiashun có kế hoạch bán nhà giá rẻ cho đối tượng người tiêu dùng này. Trong khi đó, hãng sản xuất đồ gia dụng Midea đang mở rộng mảng kinh doanh nồi cơm điện cỡ nhỏ dành cho người độc thân. “Chúng tôi cảm thấy lo lắng về những thay đổi trong cấu trúc gia đình ở Trung Quốc” - ông Hoàng Bình, Giám đốc sản phẩm của Midea, thừa nhận.
Bình luận (0)