Một bài viết đăng trên Tạp chí New York hôm 22-11 gây chấn động khi tiết lộ một nhóm các nhà khoa học máy tính và luật sư về bầu cử có tiếng đã “phát hiện bằng chứng thuyết phục cho thấy kết quả ở 3 bang chiến trường Wisconsin, Michigan và Pennsylvania có thể đã bị thao túng hoặc bị tin tặc tấn công”. Nhóm chuyên gia - trong đó có luật sư về quyền bầu cử John Bonifaz và Giám đốc Trung tâm An ninh và Xã hội điện toán, Trường ĐH Michigan Alex Halderman - khẳng định tại các điểm bỏ điện tử, số phiếu cho bà Clinton luôn ít hơn ông Trump khoảng 7% so với các điểm bỏ phiếu giấy.
Thông tin trên càng khiến các mạng xã hội sôi sục với những suy đoán rằng hoạt động kiểm phiếu có thể đã bị can thiệp dù nhóm chuyên gia nói trên nhấn mạnh họ không tìm thấy bằng chứng cụ thể về hành vi tấn công mạng hoặc thao túng phiếu bầu.
“Xin hãy yêu cầu kiểm tra lại kết quả bỏ phiếu bà Hillary. Có gì đó không đúng ở đây” - một tài khoản Twitter khẩn cầu. Một tín đồ Twitter khác thôi thúc: “Điều đáng sợ nhất có thể xảy ra nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ và hành xử như không có gì sai trái xảy ra cả”.
Sự đìu hiu của một bữa tiệc đêm bầu cử do Đảng Dân chủ bang Pennsylvania chủ trì ở TP Philadelphia sau khi ông Trump thắng ở bang này. Ảnh: The New York Times
Cho tới nay, ê kíp tranh cử của bà Clinton chưa có phản ứng gì dù hạn chót để khiếu nại kiểm phiếu lại ở Wisconsin là ngày 25-11, ở Pennsylvania là 28-11 và ở Michigan là 1-12.
Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn 24 giờ vận động, ứng viên tổng thống Đảng Xanh Jill Stein hôm 24-11 đã nhận được 2,5 triệu USD để thúc đẩy kiểm lại phiếu tại 3 bang chủ chốt nắm tổng cộng 46 phiếu đại cử tri nói trên. Gọi số tiền 2,5 triệu USD này là “điều kỳ diệu” song nữ ứng viên này cho biết chừng đó mới đủ để đề xuất kiểm phiếu lại ở Wisconsin và cần có 2 triệu USD nữa cho Pennsylvania và Michigan. Dù không có hy vọng làm chủ nhân Nhà Trắng ngay cả khi kiểm phiếu lại nhưng bà Stein tuyên bố rằng những nghi vấn về yếu tố bất thường cần được điều tra trước khi kết quả được công nhận.
Theo đài CNN, các đại cử tri Đảng Dân chủ cũng đang tiến hành những nỗ lực cuối cùng để ngăn ông Trump vào Nhà Trắng bằng cách tiếp cận các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa và thuyết phục họ không dành lá phiếu cho vị tổng thống đắc cử.
Ít nhất 6 đại cử tri Dân chủ đã phát động chiến dịch kêu gọi các đại cử tri Cộng hòa chống ông Trump. Song họ mới chỉ thuyết phục được 3 đại cử tri Cộng hòa trong khi phải cần ít nhất 37 đại cử tri “bất trung” như vậy trước khi tổng cộng 538 đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 19-12.
Trong lịch sử 228 năm qua của nước Mỹ, có tổng cộng 157 đại cử tri “lật kèo”, trong đó 71 người đổi ý do ứng viên qua đời, theo trang Fairvote.org.
Bình luận (0)