Quân đội Israel khẳng định chiến đấu cơ của họ đã tiêu diệt một vài lãnh đạo tình báo của nhóm vũ trang Hamas vào rạng sáng 12-5 (giờ địa phương) trong khi những cuộc không kích khác phá hủy nhiều điểm phóng tên lửa, văn phòng và nhà ở của các lãnh đạo Hamas. Cũng theo quân đội Israel, kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 10-5, Hamas và các nhóm vũ trang khác của Palestine đã phóng hơn 1.000 quả tên lửa về phía lãnh thổ của họ.
Giới chức y tế Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel tính đến tối 11-5 đã khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 220 người bị thương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Palestine Ashraf al-Kidra nói rằng việc Israel tấn công vào các khu dân cư đã khiến nhiều người "rơi vào trạng thái hoảng loạn". Trong khi đó, quân đội Israel khẳng định các cuộc không kích của họ đoạt mạng hơn 15 tay súng.
Lửa khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel nhằm vào dải Gaza hôm 12-5 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, đây là chiến dịch quân sự khốc liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ năm 2014, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về việc căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát. Qatar, Ai Cập và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nỗ lực thực hiện vai trò ngoại giao trung gian nhằm hòa giải xung đột, thiết lập thỏa thuận ngừng bắn. Cảnh báo Israel và Hamas "đang leo thang với nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện", điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức để xuống thang căng thẳng.
Trong một tuyên bố hôm 11-5, Nhà Trắng chỉ trích các cuộc tấn công tên lửa của Hamas nhằm vào Israel, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với giải pháp "hai nhà nước".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Phyllis Bennis của Viện Nghiên cứu chính sách (Mỹ), mọi tuyên bố từ chính quyền Tổng thống Biden về tình hình bạo lực hiện tại sẽ không thể làm xuống thang căng thẳng nếu Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, chưa sẵn sàng buộc quốc gia này chịu trách nhiệm về những hành vi mà các nhà hoạt động mô tả là "vi phạm nhân quyền".
"Mỹ viện trợ hàng tỉ USD cho quân đội Israel. Tại sao Israel là một trường hợp ngoại lệ khi vi phạm nhân quyền?" - nhà hoạt động Laura Albast của Phong trào Thanh niên Palestine bức xúc bày tỏ với đài Al Jazeera.
Bình luận (0)