Giới chức thành phố này đang vận chuyển nước uống đến nhiều khu vực, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế tắm gội vì hạn hán nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao đã làm gia tăng tình trạng nhiễm mặn. Giới chức Bangkok cho biết nước của thành phố nhiễm mặn khi nước biển xâm lấn sông Chao Phraya đang cạn kiệt. Con sông này từng là nguồn cấp nước cho phần lớn miền Trung Thái Lan.
Một đoạn sông Yom khô cạn ở tỉnh Phichit - Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong tuần này đã kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Tình trạng trở nên tồi tệ hơn khi mùa khô Thái Lan có nguy cơ kéo dài đến tháng 6 năm nay, trong khi hạn hán đã xuất hiện tại 14 tỉnh. Ông Suppakorn Chinvanno, chuyên gia khí hậu tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), cảnh báo rằng nạn hạn hán khiến sự xâm nhập mặn thêm tồi tệ, có thể ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và sức khỏe người dân khi nguồn nước uống không bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, bà Diane Archer, nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển), cho biết không ít thành phố tại các vùng đồng bằng ở châu Á đang phải tăng cường nỗ lực đối phó tình trạng xâm nhập mặn. Theo chuyên gia này, biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến những địa phương này chứng kiến nước biển xâm nhập các con sông và tầng ngậm nước, đặc biệt là trong thời gian hạn hán và ở nơi mạch nước ngầm cạn kiệt.
Bình luận (0)