xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguy cơ nội chiến Yakuza: Đại chiến Yama-Ichi

NGUYỄN CAO

Lịch sử băng nhóm xã hội đen Yamaguchi-gumi từng chứng kiến một cuộc đại chiến kiểu “huynh đệ tương tàn” cách đây 30 năm. Liệu sắp tới, lịch sử có lặp lại?

Cuộc đại chiến kéo dài 5 năm  (1985-1989), được mệnh danh là cuộc chiến Yama-Ichi, giữa 2 băng nhóm Yamaguchi-gumi và Ichiwa-kai thực chất là cuộc nội chiến giữa 2 thủ lĩnh Yamaguchi-gumi tranh giành chiếc ghế “kumicho” (bố già) của tổ chức. Đây là một cuộc chiến xuất phát từ hận thù cá nhân mà kẻ thắng cuộc là Yamaguchi-gumi không  có được niềm vui chiến thắng trọn vẹn bởi hao hụt quân số khá lớn, lớp bị giết, lớp bị bắt vào tù. Cảnh sát Nhật rất vất vả mới dẹp được trận chiến “nồi da xáo thịt” này.

Tranh ghế “bố già”

Người khơi mào đại chiến là Hiroshi Yamamoto, vốn là một chức sắc cao cấp của Yamaguchi-gumi. Sau khi “kumicho” đời thứ ba là Kazuo Taoka - người được coi là “bố già của các bố già” vì công lao to lớn biến Yamaguchi-gumi trở thành đại ca của các băng nhóm Yakuza khác - qua đời năm 1981, một cuộc tranh giành ghế “bố già” đời thứ 4 đã xảy ra giữa 2 phó tướng của Taoka là Hiroshi Yamamoto và Masahisa Takenaka.

Sau khi Taoka chết, trong 3 năm liền, các thủ lĩnh Yamaguchi-gumi không bầu được “bố già” mới vì chờ người kế thừa hợp pháp là Kenechi Yamamoto mãn hạn tù. Chẳng may ông này chết trong tù vì ung thư gan. Cuối cùng, năm 1984, Masahisa Takenaka được các bô lão trong tổ chức bầu làm “bố già” đời thứ 4 trong sự tức tối của Yamamoto, người tự cho mình là xứng đáng hơn.

 

“Bố già” Masahisa Takenaka bị giết trong trận chiến Yama-Ichi năm 1985 Ảnh: AMAZON.COM
“Bố già” Masahisa Takenaka bị giết trong trận chiến Yama-Ichi năm 1985 Ảnh: AMAZON.COM

 

Bất mãn, Yamamoto tách khỏi Yamaguchi-gumi và lập băng nhóm Ichiwa-kai ngày 13-6-1984, thu hút gần 10.000 thành viên. Ngày 26-1-1985, Yamamoto quyết định trừ khử kình địch bằng bạo lực. Một toán sát thủ Ichiwa-kai được lệnh phục kích Takenaka tại nhà tình nhân ở thị trấn Suita, tỉnh Osaka. Tay này mới ngồi ghế “kumicho” chưa nóng chỗ đã bị bắn chết cùng với 2 thủ hạ thân tín ngay trong buồng thang máy đưa lên nhà.

Takenaka chết tức tưởi, quyền “bố già” Kazuo Nakanishi và phó tướng Yoshinori Watanabe uống máu ăn thề “quét sạch đám Ichikawa-kai để báo thù”. Thế là đại chiến Yama-Ichi bùng nổ khắp vùng Kansai - gồm các tỉnh, thành: Mie, Nara, Wakayama, Kyoto, Osaka, Hyogo, Shiga, Fukui, Tokushima và Tottori - từ năm 1985 đến1989.

36 tên thuộc 2 phe tử trận, 70 tên bị thương và hơn 500 tên bị cảnh sát bắt trong 220 vụ đấu súng trên đường phố. Lúc bấy giờ, mỗi ngày báo chí thi nhau đăng bảng thương vong theo số liệu của mỗi phe. Kết cục, phần thắng tạm nghiêng về phe Yamaguchi-gumi - một chiến thắng cay đắng bởi nhiều thành viên cộm cán, trong đó có anh ruột của “bố già”quá cố là Masashi Takenaka, bị bắt ở tù. Trong khi đó, phe Ichikawa-kai  bại trận vì ít quân số và vũ khí hơn, phải cầu cứu cảnh sát bảo vệ.

Sau đó, nhờ sự hòa giải của băng nhóm trung lập Inagawa-kai ở Tokyo, 2 phe đã ký hòa ước, chấm dứt nội chiến. Sau khi thủ lĩnh Hiroshi Yamamoto quyết định về hưu, Ichiwa-kai tự giải tán. Năm 1989, Yoshinori Watanabe được bầu làm “bố già” đời thứ 5. Yamaguchi-Gumi phát triển mạnh mẽ và trở thành băng nhóm Yakuza số 1 ở Nhật từ đó đến nay.

Hạ nhau bằng vũ khí kinh tế

Trận nội chiến lần này - nếu có - sẽ không đẫm máu như vừa nêu mà diễn ra chủ yếu trên mặt trận kinh tế, theo các chuyên gia về Yakuza. Nhà báo Atsushi Mizoguchi, tác giả nhiều cuốn sách viết về Yakuza ở Tokyo, tin rằng việc tổ chức Yamaguchi-gumi chia ra 2 phe đối địch có yếu tố kinh tế. Kinh tế Nhật đang gặp hạn, việc “bố già” Tsukusa  tăng phí thành viên, thủ lĩnh các nhóm thuộc quyền phải đóng 1,15 triệu yen/năm cho tổ chức, chưa kể phải biếu xén cho “bố già” nhân dịp lễ hội mùa hè và mùa đông rồi sinh nhật của tay này khiến ngân quỹ của các nhóm dưới cạn kiệt. Ngược lại, “bố già” thu lợi mỗi năm cả tỉ yen nhưng trốn thuế.

Sự việc gây bất mãn nêu trên càng lớn hơn khi “bố già” Tsukusa mạnh tay tống cổ 13 thủ lĩnh các chi nhánh ra khỏi tổ chức với lý do có dấu hiệu làm loạn. Thủ lĩnh Kunio Inoue,  “bố già” băng nhóm Yamaken-gumi, thừa dịp gom các thủ lĩnh bị thất sủng rồi thành lập một băng nhóm mới lấy tên Kobe Yamaguchi-gumi và công khai tuyên chiến với Tsukusa vào đầu tháng 9 vừa qua.

Vũ khí chiến lược của Inoue là những bí mật kinh tế của tổ chức Yamaguchi-gumi và cá nhân “bố già” Tsukusa mà Inoue cùng các thủ lĩnh ly khai thu thập được. Inoue hy vọng sẽ lật đổ được Tsukusa với ván bài tố cáo  “bố già” Yamaguchi-gumi trốn thuế. Hy vọng này có cơ sở thực tế bởi  hiện nay, Tổng cục Cảnh sát quốc gia Nhật (NPA) đang đẩy mạnh điều tra trốn thuế đối với Tsukusa và thủ lĩnh các nhóm trực thuộc. Đã có ít nhất một tên bị bắt hồi tháng 6 vừa qua về hành vi này. Đó là Satoru Nomura, thủ lĩnh nhóm Kudo-kai nổi tiếng hung bạo, bị tóm cổ cùng với 3 thuộc hạ ở TP Kirakyushu, tỉnh Fukuoka. Đây là lần thứ tư Nomura bị bắt do trốn thuế 220 triệu yen từ năm 2010 đến 2013. Những lần trước, y xộ khám vì liên can đến vụ hạ sát chủ tịch một hợp tác xã đánh cá năm 1998 và 2 vụ chém trọng thương một nha sĩ, một điều dưỡng viên ở TP Fukuoka.

 

Sóng ngầm

Yamaguchi-gumi chia rẽ trầm trọng khiến 21 tổ chức Yakuza còn lại vui mừng bởi Yamaguchi-gumi có thể mất ngôi số 1. Nội chiến Yamaguchi-gumi chưa xảy ra nhưng  giới Yakuza đang rục rịch tăng cường kho vũ khí và ráo riết tuyển thêm lính mới trong thế “tọa sơn quan hổ đấu”. Theo Asahi Shimbun, nhật báo hàng đầu Nhật Bản, giá súng lục trên thị trường chợ đen đã tăng từ 2.500 USD lên 10.000 USD/ khẩu chỉ trong vòng vài tuần.

Hãng thông tấn Kyodo cho biết hồi tháng 9 vừa qua, tại TP Toyama, miền Tây Nhật Bản, khoảng 100 tên của một băng nhóm Yakuza tuần hành thị uy trên con đường nhộn nhịp nhất. Hai đêm sau, một băng nhóm xã hội đen kình địch cũng hành động tương tự ở thành phố gần đó. Chính quyền địa phương lập tức huy động cảnh sát đột kích trụ sở của mỗi nhóm để ngăn ngừa xung đột. NPA rất sợ bởi một khi chiến tranh bùng nổ giữa tổ chức Yamaguchi-gumi cũ và mới, các băng nhóm Yakuza khác thừa cơ hội cảnh sát bận bịu với cuộc nội chiến của tổ chức Yakuza lớn nhất Nhật Bản cũng giao chiến với nhau để tranh giành địa bàn, đồng nghĩa với tăng thu nhập và thế lực.

 

Kỳ tới: Khởi điểm của suy tàn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo