Nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ - Trung ở biển Đông đang gia tăng sau khi Washington bắt đầu có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Bên cạnh việc điều máy bay đi tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ quân đội Mỹ đang thảo luận kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân ở khu vực, như triển khai tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tàu chiến cỡ nhỏ.
Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
được máy bay giám sát P-8A Poseidon của Mỹ ghi nhận gần đây Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, ông David Shear, trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết việc triển khai máy bay do thám không người lái tầm xa Global Hawk ở châu Á nằm trong kế hoạch xây dựng lực lượng của Mỹ gần biển Đông.
Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đang âm mưu tìm kiếm ưu thế quân sự trong khu vực để giữ chân quân đội Mỹ bên ngoài khu vực thông qua việc xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông và triển khai vũ khí, máy bay chiến đấu đến đó.
Ý đồ này, cộng với phản ứng ngày càng cứng rắn của Mỹ, đe dọa đẩy 2 nước đến gần hơn một cuộc đụng độ. Trong trường hợp tàu hải quân Mỹ đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo nói trên, Trung Quốc có thể cho tàu hải quân và tàu tuần duyên có mặt tại khu vực đó ra dọa nạt hoặc quấy rối tàu Mỹ, “dẫn đến một vụ va chạm” và sự đáp trả từ 2 bên. “Đây là điều mà Trung Quốc từng làm với tàu thuyền của các nước khác và một tai nạn như thế có thể dẫn đến đối đầu” - ông Michael Austin, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.
Tương tự, nhà phân tích quân sự người Mỹ Wendell Minnick không loại trừ khả năng một chỉ huy của Trung Quốc ra lệnh bắn tên lửa đối hạm về phía tàu Mỹ, khiến căng thẳng leo thang. Một kịch bản khác là Trung Quốc có thể sử dụng “chiến thuật đám đông” hơn là đụng độ quân sự trực tiếp. Theo ông Minnick, Trung Quốc có thể sẽ điều động các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển để quấy nhiễu tàu Mỹ trong khi hải quân Trung Quốc quan sát từ xa. Đây cũng là chiến thuật thường thấy của Bắc Kinh.
Cũng theo ông Austin, trong trường hợp Trung Quốc cho rằng đối đầu trực diện với tàu và máy bay Mỹ là quá mạo hiểm, nước này vẫn có thể thách thức Washington bằng cách nhằm vào những nước khác. Bắc Kinh có thể ngăn chặn tàu thuyền, máy bay nước ngoài đi ngang hoặc bay trên bầu trời các đảo nhân tạo ở biển Đông. “Một cuộc xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc với bất kỳ quốc gia láng giềng nào vào thời điểm hiện tại cũng sẽ là cơ hội tốt để lôi kéo Mỹ vào cuộc với lý do duy trì luật pháp quốc tế” - ông Austin đánh giá.
Dù vậy, cũng có khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama không chấp nhận cho tàu đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo theo đề xuất của Lầu Năm Góc.
Nhà phân tích Huang Jing của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định kế hoạch này có thể đã bị rò rỉ cho giới truyền thông nhằm phát đi thông điệp về lập trường cứng rắn của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Tàu chiến Ấn Độ đến biển Đông
Hãng tin PTI cho biết Ấn Độ đã cử 4 tàu chiến thuộc Hạm đội phương Đông đến biển Đông và Nam Ấn Độ Dương như là một phần của chính sách hướng Đông của nước này. Trong đó, tàu khu trục tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống đối ngầm INS Kamorta tham gia cuộc tập trận Simbex với hải quân Singapore từ ngày 23 đến 26-5.
Dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Ajendra Bahadur Singh, 4 tàu chiến Ấn Độ sẽ ghé vào cảng các nước Úc, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Báo The Times of India cho biết Ấn Độ đang tăng cường quan hệ an ninh hàng hải với các nước, như Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều động thái hung hăng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)