Chưa đầy 3 tuần sau khi rời Nhà Trắng hồi năm 2001, Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton đã có buổi diễn thuyết đầu tiên tại Công ty Morgan Stanley ở New York với cái giá gây choáng váng 125.000 USD.
Hái ra tiền
Tài lẻ của ông Clinton bất ngờ giúp gia đình vị cựu tổng thống Mỹ từ tình cảnh không một xu dính túi, thậm chí còn nợ hơn 1 triệu USD vào thời điểm mãn nhiệm vì các vấn đề pháp lý, bỏ túi không dưới 230 triệu USD trước thuế sau hơn 15 năm rời Nhà Trắng.
Theo tạp chí Forbes, Morgan Stanley thực ra đã mời được vị cựu tổng thống đầy sức hút với giá quá hời. Bởi sau đó, giá mỗi lần “mở lời” của ông Clinton tăng chóng mặt, lên tới trung bình 225.000 USD/lần, có khi đến 500.000 USD. Trong một sự kiện của một công ty ở Ý năm 2005, ông Clinton thậm chí chỉ cần xuất hiện trong video nhưng cũng bỏ túi 125.000 USD. Từ năm 2001-2014, ông thu nhập hơn 100 triệu USD chỉ nhờ diễn thuyết.
Chưa hết, cuốn hồi ký My life (tạm dịch: Cuộc đời tôi) đã giúp vị cựu Tổng thống Clinton có thêm 12 triệu USD nhuận bút ngay khi còn chưa xuất bản vào năm 2004. Lập kỷ lục bán chạy ngay ngày đầu lên kệ, cuốn sách đầu tay này ước tính mang lại cho ông Clinton ít nhất 29 triệu USD. Hai cuốn tiếp theo của ông không còn khai thác khía cạnh đời tư của bản thân mà tập trung vào những vấn đề vĩ mô, xuất bản lần lượt vào năm 2007 và 2011, dù không còn gây tiếng vang như vậy nhưng cũng thu được khoảng 9 triệu USD.
Vị lãnh đạo rời Nhà Trắng ở tuổi 55 còn kiếm tiền như nước nhờ công việc tư vấn. 5 năm (từ 2003-2008) làm tư vấn cho tổ chức đầu tư Yucaipa của tỉ phú Ron Burkle giúp tài khoản của ông Clinton có thêm 15 triệu USD. Trong 2 năm tiếp theo, ông tư vấn cho 2 tổ chức Shangri-La Industries và Wasserman Investments, kiếm được lần lượt 2,5 triệu USD và 3,1 triệu USD. Tổng cộng, ông thu nhập gần 43 triệu USD từ tư vấn.
Nhà Clinton còn có thêm một “cỗ máy kiếm tiền” siêu đẳng khác sau khi bà Hillary hết nhiệm kỳ Ngoại trưởng Mỹ năm 2013. Cựu đệ nhất phu nhân không kém cạnh chồng ở cả công việc viết lách lẫn diễn thuyết.
Theo US News, ông bà Clinton thường bị công kích là “vắt kiệt” quá khứ để đổi lấy hàng chục triệu USD hay “dựa hơi” quãng đời trong Nhà Trắng để làm giàu. Thế nhưng, thực ra tổng thống Mỹ thứ 43 George W. Bush dù tuyên bố “ở ẩn” nhưng cũng đang đi theo con đường dát vàng của người tiền nhiệm. Trang Politico cho biết kể từ khi rời Tòa Bạch ốc năm 2009, ông Bush đã diễn thuyết ít nhất 200 bài và bỏ túi 100.000-175.000 USD/lần. Công việc bán thời gian hiếm khi cần quá 1 giờ mỗi lần xuất hiện này mang lại hàng chục triệu USD cho ông.
Cha của ông Bush, tổng thống Mỹ thứ 41 George H.W. Bush và người tiền nhiệm Ronald Reagan cũng từng gây xôn xao một thời vì nhận tiền phát biểu ở Nhật Bản sau khi nghỉ hưu. Ông Reagan được trả tới 2 triệu USD cho 2 bài nói chuyện theo lời mời của Fujisankei Communications Group ở Tokyo. Số tiền này lớn hơn cả thu nhập khi làm tổng thống 2 nhiệm kỳ (từ 1981-1989) nhưng sau đó, ông vẫn quyết lui về dinh thự của mình ở California và thậm chí nói không với cả viết hồi ký.
Trong khi đó, cựu tổng thống Bush “cha” đại diện cho kênh truyền hình Nhật Bản Global Crossing phát biểu tại Tokyo. Thay vì nhận 80.000 USD thù lao tiền mặt, ông đề nghị chuyển số tiền thành cổ phiếu và thu về 4,5 triệu USD sau vài năm. Đây là thu nhập kỷ lục đối với 1 lần diễn thuyết, chưa có chính trị gia Mỹ nào đạt được.
Trong số các lãnh đạo “về vườn” nêu trên, chỉ có ông Clinton góp mặt trong tốp 10 tổng thống giàu nhất của Mỹ với tài sản trị giá 55 triệu USD. Trong khi đó, một khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ thống trị tốp 5 ông chủ Nhà Trắng giàu có nhất với khối tài sản 3,7 tỉ USD, kế đó lần lượt là các cựu tổng thống John F. Kenedy (1 tỉ USD), George Washington (525 triệu USD), Thomas Jefferson (212 triệu USD) và Theodore Roosevelt (125 triệu USD).
Không có gì bất ngờ khi những nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ “rủng rỉnh” hơn người nhưng khó có thể tưởng tượng một vị tổng thống không đủ tiền trả nợ. Tổng thống thứ 3 Thomas Jefferson, người khai sinh Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, đã nợ hơn 10.000 USD trong suốt nhiệm kỳ. Đến cuối đời, ông xin bán đất để trả nợ nhưng không được chính quyền bang Virginia chấp thuận. Con gái ông thậm chí phải sống nhờ các tổ chức từ thiện sau khi cha qua đời.
Người kế nhiệm là tổng thống James Madison nợ nần vì mất mùa và cậu con trai nghiện cờ bạc khiến ông phải bán một nửa đất đai. Theo các sử gia, cuộc sống của gia đình vị tổng thống thứ 4 dễ thở hơn sau đó nhờ tiền bản quyền hồi ký của ông. Tiền bản quyền hồi ký cũng cứu sống gia đình tổng thống thứ 18 Ulysses Simpson Grant sau khi ông qua đời. Vị tổng thống được mệnh danh là người hùng của quân miền Bắc trong nội chiến này đã sống khá dư dả trong phần lớn cuộc đời nhưng 4 năm sau khi rời Nhà Trắng, ông khánh kiệt vì nghe lời con trai đầu tư hết tài sản vào một dự án ma.
Tổng thống thứ 34 Harry Truman cũng nợ nần trước khi vào Nhà Trắng vì đầu tư không đúng chỗ. Có lẽ chính hoàn cảnh khó khăn về tài chính của ông Truman đã khiến Quốc hội Mỹ lúc bấy giờ đồng ý nâng mức lương tổng thống lên 100.000 USD/năm. Mức lương này hiện đã được tăng lên gấp 4 lần.
Kỳ tới: Từ quyền lực đến nhà tù
Cựu tổng thống tốt nhất
Ông Jimmy Carter được đánh giá là cựu tổng thống Mỹ tốt nhất dù khá mờ nhạt khi đương chức. Sau khi rời khỏi Nhà Trắng, vị tổng thống thứ 39 để lại dấu ấn với Trung tâm Carter - ngân sách hằng năm khoảng 113 triệu USD, tập trung thúc đẩy nhân quyền, chống nạn đói nghèo, xung đột và áp bức. Vị cựu lãnh đạo xuất bản hơn 20 cuốn sách này còn nhiều lần thực hiện các trọng trách ngoại giao nhạy cảm: trong đó có sứ mệnh tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hòa giải thành công các phe nhóm đối lập ở Haiti…
Ông cũng trở thành cựu tổng thống đầu tiên của Mỹ được vinh danh giải Nobel Hòa bình năm 2002 nhờ thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông.
Bình luận (0)