Người giàu châu Âu và châu Mỹ từ lâu đã xem phương Đông làm nơi gây dựng và cất giữ tài sản nhưng chỉ gần đây họ mới nghiêm túc mở các văn phòng gia đình (công ty tư nhân quản lý các khoản đầu tư của các gia đình giàu có) ở khu vực này.
Điểm đến hấp dẫn
David Bain, trưởng nhóm nghiên cứu của Campden Wealth, nói với hãng tin Reuters: “Singapore đang thắt chặt quy định về các tổ chức nước ngoài nhưng sẽ tiếp tục là nơi rất hấp dẫn đối với các văn phòng gia đình và văn phòng đầu tư. Không một chính phủ nào trên thế giới cam kết thu hút tiền của các cá nhân, tổ chức và gia đình siêu giàu như vậy”.
Tối đa hóa lợi nhuận
Theo thống kê của Campden Wealth, trên thế giới hiện có khoảng 2.500 văn phòng gia đình. Tại châu Á, có khoảng 150-200 văn phòng gia đình, trong đó một nửa ở Úc và Nhật Bản. Dù vậy, con số này đang tăng lên cùng với sự gia tăng số người giàu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng, sức hút của châu Á đã khiến văn phòng gia đình đẩy nhanh việc chuyển sang châu lục này. Trong khi đó, Donald Riegger, chuyên gia về văn phòng gia đình của Deloitte&Touche LLP, cho rằng các gia đình giàu có từ châu Âu, châu Mỹ đang tìm cách mở văn phòng gia đình tại châu Á do lo ngại về tình hình ngân hàng ở Thụy Sĩ, Luxembourg và Liechtenstein.
Không bảo đảm thành công Những ngân hàng lớn như Credit Suisse, HSBC và RBC Wealth đang tìm cách nhảy vào lĩnh vực văn phòng gia đình giàu tiềm năng ở châu Á. Tuy nhiên, Federico Spinola, người đã từng làm việc tại tập đoàn đồ uống Ý Martini&Rossi và quản lý các hãng nông nghiệp tại Argentina trước khi thành lập công ty Parly SA tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1993, nhận định việc đầu tư ở châu Á chưa chắc chắn thành công, khi xét đến tính bất ổn của thị trường, nhiều rủi ro chính trị, đầu tư và luật pháp ở đây. |
Bình luận (0)