Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng thời trang Ý Prada Sebastian Suhl nhận xét: “Dân Trung Quốc là những người mới hội nhập với thời trang toàn cầu. Họ khát khao muốn biết thời trang. Thời trang thể hiện đẳng cấp nhưng cũng là một dạng cầu nối giữa họ với thế giới hiện đại”. Theo báo cáo của hai công ty quản lý tài chính và tư vấn Merrill Lynch và Capgemini, tính đến cuối năm 2006, Trung Quốc có khoảng 345.000 triệu phú USD và 1/3 triệu phú là phụ nữ. Khoảng 5.000 người sở hữu tài sản trên 30 triệu USD – chiếm 1/3 số người siêu giàu ở châu Á.
Tuy nhiên, không chỉ có những triệu phú mới mặc hàng hiệu đẳng cấp quốc tế mà những người khá giả cũng thích hàng ngoại quốc đắt tiền. Cô Chương Ninh 30 tuổi, giám đốc một công ty điện lực ở Quảng Châu, chưa từng sang Pháp lần nào nhưng cô thích trang phục của Hermes. Cô nói: “Tôi thích sự đơn giản nhưng thanh lịch của Hermes. Đối với tôi, sự thanh lịch của Pháp thể hiện qua rượu vang ngon và trang phục đẹp”.
Khi Lane Crawford mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh thì tập đoàn siêu thị gốc Hồng Kông này đã mang vào đại lục hàng hiệu của các nhà thiết kế nổi tiếng của Anh như Alexander McQueen, Stella McCartney và dự báo sự du nhập hàng hóa của các nhà thiết kế lớn như Dries Van Noten, Hussein Chalayan và Rick Owens. Hiện khách mua hàng của Lane Crawford cũng đã ngồi vào hàng ghế đầu của các cuộc thi trình diễn thời trang lớn tại Paris (Pháp) và Milan (Ý) bên cạnh khách hàng của các nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ như Saks và Nieman Marcus.
Theo tổng biên tập tạp chí thời trang Trung Quốc Vogue China Angelica Cheung, sức mua của giới thượng lưu Trung Quốc ngày càng tăng đang tạo ra một thị trường thời trang đa dạng. Tập đoàn tài chính tín dụng MasterCard cho biết, Chanel là nhãn hiệu thời trang được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc và tiếp theo đó là Giorgio Armani. Bà Cheung so sánh: “Khác với phương Tây, nơi đây có nhiều cơ hội làm ăn với một thị trường luôn nổi lên ngày càng nhiều người giàu có”.
Bình luận (0)