Theo hãng AP, cuộc sống giàu với sang với xe hơi, nhà lầu vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của giới triệu phú và họ đang đua nhau mua sắm máy bay riêng!
Một cư dân mạng viết: “Máy bay riêng đang trở thành “công cụ không thể thiếu” của những triệu phú khi họ coi thứ của cải này không chỉ là biểu tượng của vị thế mà còn là công cụ kinh doanh”.
Theo điều tra của một công ty tư vấn sở hữu máy bay riêng ở Hồng Kông, 10 năm trước đây, ở TQ chưa có cá nhân nào sở hữu máy bay phản lực riêng.
Khách tham quan máy bay của hãng Bombardier tại Triển lãm Hàng không châu Á tháng 3-2011. Ảnh: AP
Nhưng đến cuối tháng 4 năm nay, đã có 90 chiếc phản lực tư nhân được đăng ký với cơ quan hàng không quốc gia, trong đó có 70 chiếc sẽ được các hãng máy bay nước ngoài bàn giao cho chủ sở hữu trước cuối năm, tăng gấp đôi năm ngoái. Trong đó có 20 chiếc của hãng Airbus của Pháp.
Do số triệu phú đua nhau sắm máy bay riêng tăng nhanh nên đã có cuộc cạnh tranh tìm khách hàng của các hãng chế tạo máy bay.
Không chịu thua kém Airbus, hãng Bombardier của Canada hy vọng TQ sẽ là thị trường lớn thứ 3 của hãng trong 10 năm tới, sau khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Hãng này dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ bán cho TQ 960 máy bay phản lực của tư nhân và đến năm 2030 là 1.400 chiếc.
Để thỏa mãn nhu cầu mua sắm máy bay riêng của giới nhà giàu, cơ quan quản lý hàng không TQ đã nới lỏng quy chế quản lý sân bay để máy bay tư nhân dễ dàng sử dụng mà không bị phân biệt đối xử. Việc đào tạo phi công cũng thông thoáng hơn, không còn khắt khe như trước.
Cách đây mấy năm, đơn xin phép bay của máy bay tư nhân phải nộp trước ít nhất một tuần lễ cho cơ quan quản lý hàng không dân dụng. Nay chỉ cần nộp trước 3 ngày, một số trường hợp đột xuất chỉ nộp trước vài giờ.
Tuy nhiên, một thách thức lớn mà các chủ máy bay tư nhân chưa thể vượt qua là quân đội kiểm soát bầu trời, chỉ dành 30% cho hàng không dân dụng. Giới “nhà giàu mới” hy vọng khó khăn này sẽ sớm được khắc phục khi số máy bay tư nhân tăng nhiều.
Bình luận (0)