Hoan nghênh kết quả trên, Tổng thống Barack Obama nhận định với kinh nghiệm lâu năm, ông Carter sẽ củng cố lực lượng vũ trang trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang ở cao trào.
Một khi nhậm chức vào tuần tới, ông Carter sẽ đối mặt không ít thách thức từ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề cắt giảm chi tiêu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và ông Ashton Carter liệu có “cơm không lành canh không ngọt”?
Ảnh: AP
Nhiều người lo ngại quan hệ giữa ông chủ mới Lầu Năm Góc và Nhà Trắng lại có nguy cơ rạn nứt giống những người tiền nhiệm Chuck Hagel, Robert Gates và Leon Panetta. Ông Gates từng than phiền Nhà Trắng muốn kiểm soát và quản lý tất cả các khía cạnh quân sự.
Tại phiên điều trần quốc hội gần đây, ông Carter nhấn mạnh quyết tâm tăng ngân sách quốc phòng, giảm chi phí chế tạo vũ khí và cam kết chuyển giao công nghệ mới cho quân đội một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, ông ủng hộ cấp thiết bị quân sự cho Ukraine nhưng nói thêm cộng đồng quốc tế nên gây sức ép về kinh tế, chính trị đối với Nga. Nhà Trắng ngay lập tức nhắc khéo ông Carter rằng những vấn đề như cấp vũ khí cho Ukraine là do “tổng tư lệnh quân đội” (tức tổng thống) quyết định.
Bình luận (0)