Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có quốc phòng và an ninh khu vực, tại hội nghị thượng đỉnh trong ngày 29-10.
Nâng cấp quan hệ
Một ngày trước đó, Thủ tướng Modi đã đặt chân đến Nhật Bản. Theo ông Modi, đây là lần thứ 12 ông có cuộc họp với người đồng cấp Nhật Bản kể từ khi trở thành thủ tướng Ấn Độ hồi năm 2014. Ông Modi chia sẻ trên mạng Twitter khi vừa đến Nhật: "Tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ tạo thêm sức sống mới cho tình hữu nghị mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Nhật Bản".
Một ngày trước chuyến thăm, Thủ tướng Modi mô tả Ấn Độ và Nhật Bản là một "sự kết hợp thắng lợi". Ông nhấn mạnh quốc đảo này là đối tác đáng tin cậy nhất của New Delhi trong quá trình hiện đại hóa kinh tế và công nghệ.
Đáp lại, ông Abe gọi người đồng cấp Modi là một trong những người bạn đáng tin cậy nhất của mình. Thủ tướng Nhật cho rằng quan hệ hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng trong nhiều lĩnh vực như an ninh, đầu tư, công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế, môi trường và du lịch.
Bên cạnh đó, các mối quan hệ với Trung Quốc cũng là một vấn đề lớn chung giữa hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nhật Bản. Bởi lẽ, sự hợp tác của hai bên có thể tạo đối trọng đối với sức ảnh hưởng và những hành động khiêu khích quân sự của Bắc Kinh không ngừng gia tăng trong khu vực. Thủ tướng Modi nói với hãng tin Kyodo (Nhật Bản): "Mối quan hệ đối tác Ấn Độ - Nhật Bản cơ bản đã thay đổi và được thúc đẩy thành đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu. Không có gì ngoài những cơ hội đang chờ đạt được trong mối quan hệ hai nước".
Thủ tướng Ấn Độ cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng xuyên biên giới. Theo hãng tin AP, việc hai nước dự kiến diễn tập quân sự chung lần đầu tiên, bắt đầu vào tháng tới, được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa hai bên. Ngoài ra, việc Mỹ không chỉ chủ yếu đánh thuế Trung Quốc mà còn nhắm vào cả Nhật Bản và các quốc gia khác với lý do thương mại bất công cũng góp phần thúc đẩy Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường quan hệ kinh tế song phương.
Thủ tướng Shinzo Abe đưa người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đi tham quan nhà máy ở tỉnh Yamanashi - Nhật Bản ngày 28-10. Ảnh: REUTERS
Mặt trận chống Trung Quốc
Chuyến thăm kết hợp tham dự hội nghị thường niên với người đồng cấp Abe cũng là nỗ lực thúc đẩy "Chiến lược Đặc biệt và Hợp tác Toàn cầu" duy nhất của New Delhi. Từ mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đến mối quan hệ song phương sâu rộng rõ ràng là bằng chứng cho thấy Nhật Bản và Ấn Độ đang trở thành những đồng minh thực chất.
Thủ tướng Modi và ông Abe đang giám sát các cuộc đàm phán về một hiệp ước hậu cần quân sự mới, được gọi là Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA), tạo điều kiện cho Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản được phép tiếp cận các cơ sở quân sự của nhau để hỗ trợ và tiếp nhiên liệu. Theo báo Economic Times (Ấn Độ), ông Abe đã không ngừng tăng cường mối quan hệ thân thiết với ông Modi vì nhìn thấy người đồng cấp 68 tuổi là nhà lãnh đạo cứng rắn duy nhất sẵn sàng tăng cường phối hợp quốc phòng và kinh tế với Nhật Bản hơn những người tiền nhiệm Ấn Độ.
Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã tài trợ cho Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC) nhưng không tạo ra tiếng vang như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Do đó, hai bên vẫn cần phải đạt được tiến bộ về một Ấn Độ - Thái Bình Dương cân bằng để có thể tránh khỏi kịch bản mà ông Abe lo ngại bấy lâu là "ao nhà khổng lồ của Trung Quốc".
Mục tiêu của ông Abe là khôi phục sức mạnh quân sự đã mất của Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Modi. Mối quan ngại chung về gã khổng lồ Trung Quốc tuy không nói ra nhưng rõ ràng là động lực gắn kết Nhật Bản - Ấn Độ.
Bình luận (0)