Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi nhất trí tăng cường quan hệ chiến lược tại cuộc hội đàm ở Tokyo hôm 1-9.
Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào Ấn Độ trong 5 năm tới so với mức 2 tỉ USD vào năm ngoái. Nhật Bản còn cam kết cho Ấn Độ vay 50 tỉ yen (khoảng 480 triệu USD) để phát triển các dự án hạ tầng. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý đẩy nhanh đàm phán về hiệp ước hợp tác hạt nhân và khả năng Tokyo bán thủy phi cơ US-2 cho New Delhi.
Hai vị thủ tướng còn nhất trí “tìm cách tăng cường” tham vấn an ninh, từ cấp thứ trưởng hiện nay lên cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Song song đó là “nâng cấp và đẩy mạnh” quan hệ quốc phòng, bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung.
“Hai thủ tướng đã tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Ấn Độ trong mối quan hệ đối tác chiến lược và quyết định nâng cấp, tăng cường nó” - tuyên bố sau cuộc gặp nêu rõ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tiếp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi hôm 1-9
Ảnh: Reuters
Chuyến thăm Tokyo 5 ngày của ông Modi được xem là nỗ lực tạo đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản và Ấn Độ.
Phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp 2 nước trước khi gặp ông Abe, Thủ tướng Modi cho rằng Ấn Độ và Nhật Bản cần phải lập quan hệ đối tác chiến lược gần gũi hơn để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở châu Á, đồng thời chống lại tư tưởng bành trướng.
“Tư tưởng bành trướng của thế kỷ XVIII đang thức dậy quanh chúng ta: xâm phạm lãnh thổ và vùng biển nước khác, xâm lược và chiếm giữ lãnh thổ nước khác. Chúng ta phải quyết định hoặc rơi vào bẫy của chủ nghĩa bành trướng hoặc đi theo con đường phát triển để đưa thế giới lên những tầm cao mới. Tương lai của thế kỷ XXI sẽ phụ thuộc vào mức độ gần gũi trong quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ấn Độ và Nhật Bản có trách nhiệm lớn đối với hòa bình, sự tiến bộ và thịnh vượng trên thế giới” - ông Modi nhấn mạnh.
Theo báo The Wall Street Journal, dù không nêu đích danh nhưng ai cũng thấy ông Modi phát đi thông điệp đến Trung Quốc, nước đang có tranh chấp lãnh thổ với cả Ấn Độ và Nhật Bản.
Không những thế, đây còn là dấu hiệu công khai nhất về việc ông Modi có ý bắt tay Nhật Bản trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Lập trường này, nếu được duy trì, sẽ gây ra những tác động sâu rộng về địa chính trị thời gian tới.
Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ của ông Modi đã thông báo kế hoạch tăng cường phòng thủ tại biên giới với Trung Quốc nói riêng và củng cố sức mạnh quân sự nói chung. Không chỉ vậy, New Delhi và Tokyo gần đây còn tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua các cuộc tập trận hải quân chung. Trên quy mô rộng hơn, tàu chiến Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ mới tiến hành các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Thái Bình Dương.
Giới phân tích nhận định phát biểu của ông Modi còn là bằng chứng về một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và chủ động hơn của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc. New Delhi vẫn muốn tăng cường làm ăn với Bắc Kinh nhưng mặt khác không che giấu ý định thắt chặt hợp tác với các đồng minh ở Nam Á và Đông Á để làm đối trọng với Trung Quốc.
Bình luận (0)