Nhật Bản ngày 7-4 ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh (gồm vùng thủ đô Tokyo) trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 6-4 cho biết tình trạng khẩn cấp kéo dài khoảng 1 tháng nói trên cho phép chính quyền các tỉnh/vùng bị ảnh hưởng (Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo, Fukuoka) được quyền yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học. Tuy nhiên, họ không được ra lệnh phong tỏa giống như những gì được thực thi tại một số nước khác trong lúc nhà chức trách hầu như không có chế tài để xử lý người vi phạm.
Bản thân ông Abe cũng thừa nhận việc phong tỏa cả một thành phố là chuyện không thể ở Nhật Bản. Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura kêu gọi người dân tại các tỉnh sắp được ban bố tình trạng khẩn cấp không cần phải chuyển đến nơi khác, vốn đe dọa làm dịch bệnh thêm lây lan.
Bên ngoài Bệnh viện Đa khoa Eiju đóng cửa ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 6-4Ảnh: Reuters
Bà Yuriko Koike, Thị trưởng Tokyo, vào tuần rồi tỏ ý ủng hộ việc ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể thúc giục cư dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn. Trước mắt, theo Reuters, chính quyền nhiều địa phương đã thúc giục người dân làm việc tại nhà, ở nhà vào những ngày cuối tuần, tránh đám đông và không ra ngoài ăn tối… Những biện pháp này ít nhiều có hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ như nhận định của nhiều chuyên gia.
Theo thống kê, hơn 3.500 người cho kết quả dương tính với virus gây Covid-19 (SARS-CoV-2) trong lúc 85 người tử vong vì bệnh này tại Nhật Bản. Số ca mắc Covid-19 hiện không quá cao nếu so với một số điểm nóng khác trên thế giới nhưng nỗi lo ở đây là nó không ngừng gia tăng, dẫn đến nỗi lo hệ thống y tế bị quá tải. Riêng số ca mắc tại thủ đô Tokyo đã tăng lên hơn 1.000.
Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa Eiju tại trung tâm Tokyo buộc phải đóng cửa sau khi 140 ca mắc được ghi nhận tại đó trong vòng 2 tuần, trong đó có ít nhất 44 bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên y tế khác. Hơn 60 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị bên trong Bệnh viện Đa khoa Eiju.
Theo số liệu chính thức, 951 người mắc Covid-19 đã nhập viện tại Tokyo, tính đến ngày 5-4, trong khi hiện chỉ có khoảng 1.000 giường bệnh được dành cho bệnh nhân Covid-19 tại thành phố này. Trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng lên đội ngũ nhân viên y tế, theo Thị trưởng Koike, nhà chức trách Tokyo từ ngày 7-4 sẽ bắt đầu chuyển bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ đến những nơi như khách sạn.
Bên cạnh động thái ban bố tình trạng khẩn cấp, ông Abe cho biết nội các Nhật trong ngày 7-4 sẽ thông qua gói kích thích lớn chưa từng có để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đang chịu thiệt hại từ tác động tiêu cực của dịch bệnh. Theo hãng tin Kyodo, gói kích thích này có quy mô 108.000 tỉ yen (989 tỉ USD), lớn hơn nhiều so với gói kích thích được ban hành vào thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 (khoảng 56.800 tỉ yen). Theo ông Abe, khoảng 6.000 tỉ yen tiền mặt sẽ được phát cho các hộ gia đình và công ty gặp khó khăn.
Mỹ bước vào tuần "khó khăn nhất"
Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams hôm 5-4 cảnh báo quốc gia này đang bước vào tuần "khó khăn, tang thương nhất" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Dù vậy, tại buổi họp báo ở Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Donald Trump lại tỏ ra lạc quan khi khẳng định người Mỹ "đã bắt đầu thấy ánh sáng ở cuối đường hầm".
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến ngày 6-4, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên hơn 336.000 ca trong khi số ca tử vong là ít nhất 9.620. Đáng chú ý, bang Louisana trở thành điểm nóng mới khi ghi nhận thêm gần 500 ca tử vong và hơn 13.000 ca mắc. Thống đốc bang Louisana John Bel Edwards nhận định bang của ông sẽ hết máy thở vào ngày 9-4. Trong khi đó, bang New York, tâm dịch của Mỹ, đón nhận tín hiệu lạc quan khi lần đầu tiên trong tuần, số ca tử vong giảm nhẹ so với ngày trước đó, song vẫn ở mức cao với gần 600 ca.
Tại châu Âu, 4 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 đều báo cáo sự sụt giảm về số lượng ca tử vong mới. Các dữ liệu mới nhất từ Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh cho thấy các biện pháp phong tỏa đang phát huy tác dụng, khiến các nhà lãnh đạo chính trị quyết định gia hạn hoặc thắt chặt chúng để đối phó virus. "Các biện pháp phong tỏa đang giúp chúng tôi. Chúng làm chậm đáng kể sự lây nhiễm của virus" - người đứng đầu Viện Y tế quốc gia Ý Silvio Brusaferro khẳng định, sau khi quốc gia này ghi nhận mức tăng thấp kỷ lục liên quan đến số ca tử vong kể từ ngày 19-3 (525 ca).
Lộc Minh
Bình luận (0)