Theo tờ Yomiuri Shimbun hôm 21-8, các nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết nước này có kế hoạch nâng cấp hơn 1.000 tên lửa chống hạm để tăng tầm bắn từ 100 km lên 1.000 km.
Các tên lửa đất đối hạm Type 12 này sẽ được triển khai trên tàu và máy bay chiến đấu và được lên kế hoạch đặt tại Quần đảo Tây Nam và Kyushu của Nhật Bản.
Tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật bản. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Tờ Yomiuri Shimbun cho rằng Type 12 nâng cấp phóng từ mặt đất sẽ được triển khai vào năm 2024, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Hơn nữa, Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp khả năng tấn công trên mặt đất bên cạnh vai trò chống hạm ban đầu.
Nhật Bản dự kiến sẽ bổ sung "khả năng phản công" trong Chiến lược An ninh Quốc gia sắp tới của mình. Vì tên lửa hành trình sẽ là yếu tố cốt lõi của khả năng này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường sản xuất tên lửa bằng cách thiết lập hệ thống hỗ trợ đầu tư vốn của các công ty liên quan.
Nhật Bản đã duy trì chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hòa bình kể từ Thế chiến thứ 2 và hạn chế vai trò của quân đội ở mức tự vệ. Mặc dù thiếu khả năng tấn công, Nhật Bản sở hữu một trong những quân đội có năng lực mạnh nhất châu Á, vốn có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu của kẻ địch từ lãnh thổ Nhật Bản.
Tuy nhiên, các mối đe dọa ngày càng lớn từ 2 láng giếng có thể đã khiến Nhật Bản phải suy nghĩ lại về thế phòng thủ của mình.
Tờ Yomiuri Shimbun trích dẫn phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) cho biết Trung Quốc có 1.900 tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất và 300 tên lửa hành trình tầm trung có khả năng tấn công Nhật Bản.
Nguồn tin cũng lưu ý rằng Triều Tiên đã triển khai hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể tấn công Nhật Bản. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đã phát triển vũ khí siêu thanh có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Nhà phân tích cấp cao Bruce Klinger thuộc Tổ chức Heritage đề cập rằng chi tiêu quốc phòng hạn chế của Nhật Bản ở mức dưới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đồng nghĩa với việc đạt được khả năng tấn công tầm xa có thể phải trả giá bằng chi phí cơ hội của các dự án quốc phòng khác.
Ông Klinger cũng lưu ý rằng Nhật Bản khó có thể có được các khả năng tấn công mới khi cho rằng ngân sách quốc phòng hạn chế đã cản trở khả năng thực hiện các kế hoạch an ninh đầy tham vọng.
Chuyên gia này cũng đề cập khả năng Nhật Bản có thể phải phá vỡ giới hạn 1% tự áp đặt đối với ngân sách quốc phòng của mình dù động thái như vậy sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ về mặt chính trị lẫn trong nước.
Bình luận (0)